ĐBQH: Tăng tuổi nghỉ hưu trong ngành công an có phù hợp với mọi đối tượng?

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 27/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tăng tuổi nghỉ hưu trong công an có phù hợp với mọi đối tượng?

Băn khoăn về tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Công an nhân dân, đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (đoàn tỉnh Quảng Ninh) bày tỏ: "Với Luật Công an nhân dân, tính cấp thiết, cần thiết phải sửa ngay tại kỳ này với quy trình rút gọn, bổ sung gấp thì chưa thực sự thuyết phục".

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung phân tích, việc sửa đổi chủ yếu liên quan đến tăng tuổi, từ tuổi liên quan đến quân hàm. Lý do phân tích tăng tuổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành công an chưa rõ; còn với lý do để tương đồng với Bộ luật Lao động thì cũng không sai nhưng trong Luật Lao động khi Quốc hội xem xét độ tuổi nghỉ hưu tăng cũng cho cơ chế đặc thù đối với lực lượng công an, quân đội chứ không quy định bắt buộc phải theo quy định chung. Vì thế lý do ấy chưa thực sự thuyết phục về tính cấp thiết. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ thêm.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (đoàn tỉnh Quảng Ninh) thảo luận tại tổ chiều 27/5
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (đoàn tỉnh Quảng Ninh) thảo luận tại tổ chiều 27/5

Đối với nội dung tăng tuổi, đại biểu đặt vấn đề cơ quan soạn thảo đã khảo sát, đánh giá kỹ tất cả các đối tượng hay chưa?. Vì trong lực lượng công an có thể có những lực lượng ở cơ sở với tính chất công việc đặc thù, khó khăn, nguy hiểm cũng đòi hỏi tuổi tác phù hợp. Trong trường hợp này, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với tất cả các đối tượng có phù hợp hay không, hay chỉ với một số đối tượng?.

Ngược lại với ý kiến trên, đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (đoàn Thành phố Hà Nội) lại cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, nếu nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân thì tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất (theo quy định hiện hành, nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm trở lên, nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%). Cùng với đó, giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên.

"Dự kiến kinh phí thực hiện quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an sẽ nhỏ hơn so với kinh phí phải chi trả cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới để thay thế. Do đó, nội dung này sẽ không làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước"- đại biểu Lê Nhật Thành cho biết.

Quang cảnh phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội tổ số 9
Quang cảnh phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội tổ số 9

Cấp hàm Đại tá cho Trưởng công an thành phố thuộc thành phố là phù hợp

Góp ý vào Dự thảo Luật, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hà Nội cho biết, quá trình thẩm tra sơ bộ dự luật với sự tham gia nhiều ban ngành, hầu hết đồng tình.

Với nội dung kéo dài tuổi nhằm đồng bộ tương thích với Bộ luật Lao động 2019, số đối tượng được kéo dài tuổi nhất là lãnh đạo cấp cao (có hàm Thượng tá trở lên) sẽ có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Trong lực lượng công an, nữ chỉ chiếm hơn 10%, chủ yếu công tác ở lĩnh vực giáo dục, y tế, hậu cần, tài chính…, sửa đổi luật sẽ đảm bảo công tác bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, một số vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, có 2 trường Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Cảnh sát Nhân dân chủ trương không tổ chức hoàn chỉnh ở phía Nam mà 2 trường ở khu vực này chỉ là phân hiệu. Hiện phía Nam có 2 trường này với đầy đủ chức năng nhiệm vụ như các trường đại học khác, nay đề nghị bổ sung cấp hàm Thiếu tướng là hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (đoàn Thành phố Hà Nội) tại phiên thảo luận tổ chiều 27/5
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (đoàn Thành phố Hà Nội) tại phiên thảo luận tổ chiều 27/5

Về đề xuất Trưởng Công an Thành phố thuộc Thành phố có cấp bậc hàm Đại tá, hiện mới có Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và theo quy hoạch Hà Nội sẽ có thành phố Đông Anh. Đây là đô thị đặc biệt, Giám đốc Công an của 2 Thành phố này mới có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng và Trưởng quận là Đại tá…

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Thành phố Thủ Đức được sáp nhập trên cơ sở 3 quận trước đây và có quy mô dân số đông, diện tích lớn, tính chất phức tạp. Vì vậy, nên Trưởng Công an Thành phố Thủ Đức được bổ nhiệm mang hàm Đại tá là phù hợp.

Đồng thời, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị Ban soạn thảo, Bộ Công an nghiên cứu thêm về quy định cấp bậc hàm Đại tá đối với Trưởng công an huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bởi các huyện của 2 thành phố có dân số đông, tình hình phức tạp. Nếu bổ nhiệm cấp hàm Đại tá với đồng chí trưởng công an của các huyện này thì sẽ động viên, giúp họ có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần