70 năm giải phóng Thủ đô

ĐBQH: xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Quốc hội đề xuất, yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn…

Sáng 28/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính

Đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh, điều nổi cộm đó là giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở, đồng thời thu nhập từ bất động sản thấp so với giá vốn đầu tư bất động sản.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá bất động sản cao bất thường do người mua bất động sản để tích lũy tăng cao, khiến dòng tiền đẩy vào đây, không chảy vào kinh doanh sản xuất; nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm; bên cạnh đó, các lực lượng thị trường như môi giới, đấu giá cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận.

Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, yêu cầu người tham gia đấu giá đất phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại. Cùng đó, thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp. Ngoài ra, xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham dự phiên họp sáng 28/10 - Ảnh: Như Ý
Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham dự phiên họp sáng 28/10 - Ảnh: Như Ý

Về phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, người có thu nhập thấp thường không đủ khả năng tích lũy để mua nhà, thậm chí không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng. Đại biểu đề nghị tăng cung nhà ở cho thuê dành cho người thu nhập thấp, để họ có thể thuê nhà suốt đời và chuyển sang mua nhà thương mại khi đủ điều kiện.

Tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này ở giai đoạn 2015- 2023 đã tiếp tục được hoàn thiện, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu cho biết, thực tế cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra… Trong đó đáng chú ý là việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, một số quy định chưa phù hợp với thực tế. Cùng với đó, nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành còn nhiều nội dung chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn rõ ràng.

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần đưa vào dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Theo đó, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần thường xuyên, khẩn trương quan tâm, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật mới được ban hành, bảo đảm khắc phục các hạn chế, vướng mắc, đảm bảo các quy định rõ ràng và hiệu quả, khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) đề nghị kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, xử lý dứt điểm với các dự án vướng mắc pháp lý. Trong đó, Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh 22 nội dung còn vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật sau khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 được ban hành, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Ngoài ra, những bất cập, chồng chéo về thể chế được chỉ ra trong báo cáo giám sát là căn cứ vô cùng quan trọng để các cơ quan soạn thảo cập nhật, nghiên cứu, sửa đổi đối với các dự án Luật ngay từ Kỳ họp này, nhất là các luật về quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Đầu tư công. Trong đó, cần nghiên cứu quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực và gắn với phân bổ nguồn lực…