Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

DDoS Boongke – giải pháp cho lỗ hổng bảo mật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 16/7, thông tin máy chủ điều khiển mạng máy tính ma (botnet) tấn công một số báo điện tử ở Việt Nam như Dân trí, Tuổi trẻ, VietNamNet tạm thời bị vô hiệu hóa đã khiến các báo trên thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) suốt hai tuần qua khiến các trang báo điện tử trên bị “tê liệt” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hạ tầng bảo mật còn manh mún và có nhiều lỗ hổng của các website nước ta.

Thực ra, Việt Nam không phải là nạn nhân duy nhất của các vụ tấn công mạng do những hacker toàn cầu thực hiện. Ngay cả những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ thông tin như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều bị thiệt hại nặng khi hệ thống mạng bị mục tiêu tấn công. Nhằm đối phó với những vụ việc trên và xa hơn là một cuộc chiến tranh mạng, từ vài năm trước, Hàn Quốc đã thành lập một trung tâm xử lý tấn công DDoS (DDoS Boongke) để phục vụ cho nhiều doanh nghiệp thay vì để mỗi đơn vị tự xây dựng lưới phòng vệ tấn công mạng như tại nước ta hiện nay. Trung tâm này gồm hệ thống máy chủ có hạ tầng băng thông cực lớn đã góp phần ngăn chặn, chống đỡ khá hiệu quả các vụ tấn công DDoS vào các website của Hàn Quốc.

Theo đánh giá của hãng Symantec, từ năm 2011 đến nay, không gian mạng Việt Nam đã trở thành nơi “ưa thích” của giới hacker thế giới và là “ổ máy tính ma” lớn nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, kết quả khảo sát do Kaspersky Lab công bố cho thấy, người dùng internet tại Việt Nam là một trong những đối tượng bị tấn công thường xuyên nhất thế giới. Nguyên nhân của hiện tượng trên chủ yếu là do thói quen không cài phần mềm diệt virus trên máy tính, nhất là ở các máy tính công cộng và việc tải những phần mềm thiết yếu như từ điển, gõ tiếng Việt… ở những website không đáng tin cậy.

Những hậu quả nghiêm trọng do tấn công không gian mạng buộc Việt Nam phải nhanh chóng thành lập một trung tâm dữ liệu với băng thông cực lớn nhằm chống đỡ các cuộc tấn công tương tự. Việc đầu tư tập trung vào một DDoS Boongke vừa tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng chống DDoS vừa giảm thiểu chi phí đầu tư thay vì để từng đơn vị tự xây dựng.