Theo đó, đề án sẽ phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống bảng lương và trao quyền cho lãnh đạo có cơ chế tuyển dụng người có năng lực vào bộ máy và trả lương xứng đáng.
Phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phươngTrả lời Kinh tế&Đô thị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: Cuối tuần qua, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Hội đồng Lý luận T.Ư đều đã họp cho ý kiến về vấn đề này. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ trình Bộ Chính trị dự thảo Đề án để Bộ này trình Hội nghị T.Ư 7 theo đúng tiến độ. Đây là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan từ đời sống người hưởng lương đến các vấn đề ổn định xã hội, bảo hiểm, tuổi hưu…, đã được Hội nghị T.Ư bàn qua nhiều lần.
|
Cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng |
Trả lời rõ hơn, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho biết, theo phân công của Bộ Chính trị và Ban Cán sự Đảng Chính phủ, đã giao Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Phó Trưởng ban Thường trực. Phạm vi đề án gồm tiền lương khu vực DN và lương cho CBCCVC, LLVT hưởng lương khu vực công. Từ đầu 2017, sau quá trình tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện từ các bộ, ngành, địa phương, khảo sát thực tế, học tập nước ngoài, làm việc với các tổ chức quốc tế để vận dụng tại Việt Nam... hiện, BCĐ đã bước đầu dự thảo đề án, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ và cơ bản được đồng tình, Hội đồng Lý luận T.Ư đánh giá cao.
Theo ông Dũng, nội dung đề án được nghiên cứu toàn diện, cả về hệ thống bảng lương, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp... Đặc biệt, về cơ chế lần này có nhiều điểm mới, phân cấp phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, từ trước đến nay, quy định tiền lương theo ngạch bậc “cứng”, các thủ trưởng đơn vị không có quyền gì trong tuyển dụng nhân tài, thì đề án tiền lương này đã đề cập trao quyền cho thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương có cơ chế để tuyển người có năng lực vào bộ máy và trả lương xứng đáng. Đồng thời, đề án cho phép các địa phương có quyền tự chủ: Khi tự cân đối được ngân sách Nhà nước, tự đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương trong một giai đoạn ổn định ngân sách thì cũng được quyền tự quyết định tiền lương cao hơn.
"Đề án này liên quan đến cả hệ thống chính trị, nên chúng tôi sẽ phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống bảng lương, bảng lương của từ Tổng Bí thư đến cán bộ cấp xã. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương phụ thuộc vào nguồn lực, kể cả ngân sách Nhà nước cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết 18, 19 về tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế sự nghiệp, nên vấn đề này đang được BCĐ tiếp tục lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương, Thành ủy, Tỉnh ủy, sau đó tổng hợp báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 4/2018, báo cáo T.Ư trong tháng 5/2018 đúng tiến độ” - ông Dũng khẳng định.
|
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành thông tin tại buổi họp báo thường kỳ. |
Xử lý nghiêm vụ 500 giáo viên mất việc ở Đắk LắkCũng tại buổi họp báo, xung quanh Nghị định 140/CP mới đây (ngày 5/12/2017) về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ trẻ sinh viên, cán bộ khoa học trẻ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành nhận định, đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật quy định một chính sách quốc gia về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng. Trước đây, Điều 6 Luật CBCC quy định Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ xứng đáng với người tài trong hoạt động công vụ, như vậy chỉ ở phạm vi hẹp và dành cho công chức; còn người trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đề cập, song nội dung này của Luật cũng chưa được cụ thể hóa để triển khai thực hiện. “Nghị định 140 là văn bản thể chế hóa Kết luận 86 ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị, có rất nhiều điểm đột phá về chủ trương của Đảng, quyết tâm của Bộ Chính trị và tâm huyết của những lãnh đạo cao nhất đất nước về mong muốn có phát kiến mới để xây dựng đội ngũ tri thức, bồi dưỡng nhân tài trở thành lực lượng lao động chất lượng cao, chuyên gia giỏi, đầu ngành mọi lĩnh vực” - ông Thành nói.
Đáng chú ý, về vụ việc 500 giáo viên mất việc làm tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), đại diện Bộ Nội vụ cho hay, đã có công văn đề nghị UBND tỉnh này khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo sự việc và giải pháp xử lý. Nội dung phản ánh của báo chí về việc một số giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắc sắp mất việc là đúng, và trước mắt để ổn định tình hình địa phương, đảm bảo quyền lợi NLĐ, không để thế lực thù địch lợi dụng gây mất trật tự xã hội, ngày 11/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành công văn về xử lý vấn đề liên quan việc chấm dứt hợp đồng giáo viên không được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 của huyện Krông Pắc. Với nội dung báo chí nêu là phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có "suất" dạy hợp đồng tại các trường tại huyện, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.