Đề cao trách nhiệm của cơ quan cảnh báo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là ý kiến được các đại biểu nêu ra tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro thiên tai do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN&MT) Quốc hội phối hợp với Bộ NN&PTNT và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 17/11 tại Hà Nội.

Trong hai thập niên vừa qua (1990 - 2011) mỗi năm trung bình có 440 người Việt Nam tử vong do thảm họa. Mặc dù tỷ lệ tử vong đang giảm đi, song thiệt hại về kinh tế lại đang tăng lên. Mỗi năm ước tính thiệt hại do thiên tai của Việt Nam khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương 1,2% GDP.

Đáng chú ý, các nhóm dễ bị tổn thương do thiên tai chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa... Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội nhận định, thiên tai ngày càng trở nên khốc liệt và diễn biến bất thường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều loại thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, sạt lở đất, động đất...
 
 
Đề cao trách nhiệm của cơ quan cảnh báo - Ảnh 1
 
Nếu xây dựng được bảo hiểm thiên tai sẽ giúp người dân giảm nhẹ thiệt hại.
 
Trong phòng chống thiên tai, vấn đề cần quan tâm là quy hoạch, bố trí đất cho dân cư vùng thường xuyên bị thiệt hại. Ngoài ra, quan tâm tới bảo hiểm do thiên tai. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, bảo hiểm thiên tai giúp người dân giảm nhẹ thiệt hại.

 Đơn cử như tại nước Mỹ, cơn bão Sandy hồi cuối tháng 10/2012 gây thiệt hại ước tính khoảng 30 - 50 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền các công ty bảo hiểm phải chi trả ước tính từ 10 - 20 tỷ USD. Hiện nay, trong Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai của nước ta có quy định: "Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp được phép thành lập và hoạt động kinh doanh loại hình bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam".
 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Luật cần quy định cụ thể hơn về chính sách ưu đãi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thiên tai bởi đây là loại hình bảo hiểm có rủi ro cao.Đặc biệt, theo ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, cần quy định trong Luật về xác định cấp độ rủi ro thiên tai và cấp độ cảnh báo thiên tai. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan cảnh báo và mức độ cảnh báo.

Thực tiễn khảo sát ở Quảng Bình cho thấy, khi UBND tỉnh quyết định di dời dân khỏi vùng bị ảnh hưởng của bão, người dân không tuân thủ vì trước đó đã có một số lần cảnh báo sai gây tốn kém cho người dân. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới cung cấp thông tin về thiên tai.Đồng tình quan điểm trên, bà Louise Chamberlin, Giám đốc Quốc gia UNDP bày tỏ, Luật cần nêu rõ tiêu chí và trách nhiệm để tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng.

 Ngoài ra, để triển khai hiệu quả luật, cần mở rộng vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường hơn nữa nguồn nhân lực cho các cơ quan phụ trách quản lý rủi ro, thảm họa. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cần nâng cao vai trò chủ động của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Đồng thời phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và có cơ chế phối hợp cụ thể trong công tác phòng chống thiên tai...