Đề cao trách nhiệm nêu gương

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không thể chỉ dừng lại như một cuộc vận động, hay đơn thuần là thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, mà trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và thực chất, đặc biệt đề cao trách nhiệm nêu gương. Đó là những vấn đề tiếp tục nhấn mạnh khi thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Thấm sâu vào đời sống xã hội
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội được Viện Dư luận xã hội triển khai về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW cho thấy, 81% ý kiến được hỏi đánh giá việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. 79% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 đã làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 76% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. 71% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 khôi phục, củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. 70% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đó là những con số rất đáng chú ý. Nhìn từ thực tế có thể thấy, những kết quả thực hiện Chỉ thị 05 được thể hiện rõ trong việc cải cách hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho DN, người dân; xây dựng bộ quy tắc ứng xử, thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở; xây dựng quy chế, quy định về việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và DN… Đồng thời, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý sai phạm…
Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, việc thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ quá trình từ "học tập" sang "làm theo" Bác, gắn với trách nhiệm nêu gương làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Việc phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, trách nhiệm, qua đó, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí...

Sự gương mẫu tạo ra động lực

Từ những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 05 trong thời gian tới cũng đặc biệt đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"… Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc "nêu gương" của cán bộ, đảng viên. Theo Người, sở dĩ cần phải "nêu gương" là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Do đó, việc gương mẫu của người đứng đầu tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của người dân. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị đến với quần chúng Nhân dân.

Nhìn từ cuộc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, việc nêu gương theo tư tưởng của Bác càng được thể hiện rõ. Như người đứng đầu Chính phủ đã nói: “Trong phòng chống dịch, lãnh đạo lại càng phải gương mẫu, phải bám sát cơ sở, phải đánh giá đúng tình hình, phải mạnh mẽ, đi đến tận cùng của khó khăn, không giáo điều, không hình thức. Lãnh đạo phải đưa ra chỉ đạo sát với tình hình, sắc sảo trong chỉ đạo, linh hoạt trong điều hành, đưa ra những quyết định phù hợp, khả thi, hiệu quả, truyền cảm hứng và động lực cho cấp dưới”.
Trên tinh thần này, thời gian qua càng thấy rõ vai trò của cán bộ, người đứng đầu. Vai trò nêu gương, đi đầu của đảng viên không chỉ thể hiện ở cấp lãnh đạo, chỉ huy, mà còn từ các đảng viên cấp cơ sở, đến mỗi người dân trong thực hiện các quy định phòng dịch. Bằng việc nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, trách nhiệm với mỗi vấn đề mình cần làm, đó chính là một cách thiết thực để tiếp tục góp phần lan tỏa tư tưởng của Bác đi vào đời sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần