Nhiều điểm nghẽn
Phát triển dịch vụ logistics là nhiệm vụ quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các DN và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng, đóng góp không nhỏ đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, việc phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng và định hướng phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm, thiếu đồng bộ đang là “điểm nghẽn” khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng… Chưa có trung tâm logistics lớn, liên kết liên vùng chưa tốt; kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam còn cao (khoảng 18% GDP). Điều này hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế.
Bên cạnh hàng loạt bất cập trong hoạt động logistics tại Việt Nam, một trong những điểm nghẽn mà nhiều DN xuất nhập khẩu vẫn đang than phiền đó là hoạt động thông quan hàng hóa tại hải quan kém hiệu quả, thủ tục rườm rà. Đây là những khó khăn cố hữu và là rào cản đối với ngành logistics ở Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn Đỗ Xuân Minh đánh giá, các cơ quan, ban, ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho DN. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp; một số quy định còn chồng chéo, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù hoạt động logistics trong thực tiễn đã cản trở DN cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đặng Vũ Thành cho rằng, nếu ví dịch vụ logistics là một “cỗ máy” thì cần có phần cứng, phần mềm, nhân sự để vận hành. Trong đó, phần cứng là cơ sở hạ tầng, phần mềm là các hành lang pháp lý, quy định, thủ tục để đảm bảo cỗ máy này hoạt động suôn sẻ.
“Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ… tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để “cỗ máy” logistics vận hành hiệu quả hơn” – ông Thành nêu ý kiến.
Giảm các quy định rườm rà
Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Trương Tấn Lộc đề xuất cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, bao gồm việc giảm các quy định pháp lý rườm rà, giảm chi phí vận hành và tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa tham gia vào ngành.
Về hệ thống chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng hiệu quả và chuyên nghiệp, bao gồm việc đồng bộ hoạt động của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ thông tin để giám sát và quản lý hoạt động chuỗi cung ứng; thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình chuẩn hóa trong hoạt động logistics.
Cần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Trương Tấn Lộc
Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Bắc Hải cho biết, trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng các DN nói chung và DN logistics nói riêng. Đồng thời nỗ lực cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan, đặc biệt là áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, soi chiếu container, tăng tỷ lệ luồng xanh (miễn kiểm tra hàng hoá) và luồng vàng (kiểm tra chứng từ), giảm tỷ lệ luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu), áp dụng quản lí rủi ro… Qua đó góp phần quan trọng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, giúp cho các DN logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới...
Về vấn đề thủ tục pháp lý, hải quan, ông Nguyễn Bắc Hải khẳng định, ngành Hải quan xác định sẽ kiên quyết với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Tính đến hết năm 2022, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với tổng số trên 4,92 triệu bộ hồ sơ, của hơn 54,8 nghìn DN được giải quyết trên cổng một cửa quốc gia. Thông qua cơ chế một cửa quốc gia, DN sẽ thực hiện khai báo hồ sơ điện tử và nhận kết quả xử lý, giấy phép của các Bộ, ngành thông qua hệ thống và Cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa thông qua giấy phép điện tử được cấp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Vì vậy, DN có thể theo dõi thời gian khai báo, thời gian xử lý, cán bộ, đơn vị xử lý, nhật ký giao dịch của hồ sơ được khai báo.
Ở góc độ địa phương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Trần Mạnh Hùng chia sẻ, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động triển khai nhiều chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; cùng với đó, Cục đã triển khai phần mềm đánh giá sự hài lòng của DN, DN đánh giá và gửi trên phần mềm này. “Hàng năm, Cục Hải quan Hải Phòng tổ chức 3-4 hội nghị đối thoại với DN theo từng lĩnh vực. Đối với đại lý hải quan, chúng tôi bố trí khu vực riêng phục vụ làm thủ tục hải quan cho các DN này… nhằm tạo thuận lợi nhất cho DN, nhằm cắt giảm chi phí” - Phó cục trưởng Trần Mạnh Hùng cho biết thêm.