Để công trình xanh cần quan tâm tới chất lượng không khí trong nhà

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải thiện chất lượng không khí, nâng cao tiện nghi và sức khoẻ của người sử dụng trong các công trình nhà dân dụng cần sự quan tâm đúng mức.

Quan tâm hàng đầu

Không khí ô nhiễm tại Thủ đô đã khiến người dân tăng cường mua sắm những máy lọc không khí có chức năng chính là lọc bụi, khả năng điều chỉnh độ ẩm để phù hợp cho căn nhà của mình.

Chị Nguyễn Kim Ngân (trú tại Phú Thượng, quận Tây Hồ) cho biết, vì nhà có con nhỏ nên sau khi tìm hiểu trên mạng, chị đã quyết định mua chiếc máy lọc không khí của một thương hiệu lớn đến từ Nhật để có thể nắm được tình trạng không khí.

Những máy lọc không khí càng ngày được nhiều người dân tìm kiếm. Ảnh minh hoạ
Những máy lọc không khí càng ngày được nhiều người dân tìm kiếm. Ảnh minh hoạ

"Những ngày vừa qua, mỗi khi mở cửa càng ngày càng nhiều bụi bay vào, chất lượng không khí đi xuống rất nhiều. Đi ra ngoài đường thấy rất khó chịu, hít thở dễ bị ho; phòng ngủ gia đình được lắp máy lọc không khí thì đỡ bụi hơn. Sau một thời gian dùng, con không bị ốm nên tôi mua thêm 1 máy nữa cho phòng khách" - chị Ngân cho hay.

Được biết, vào sáng 7/11, chất lượng không khí tại TP Hà Nội ghi nhận chỉ số bụi mịn cao gấp 10 lần quy chuẩn quốc tế, có hại cho sức khoẻ người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Cụ thể, chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội dao động khoảng 50 µg/m³, cao hơn gấp 10 lần quy chuẩn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (5 µg/m3). Bụi mịn (hay bụi PM 2.5) là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn cản trở giao thông và tầm nhìn của các phương tiện di chuyển vào buổi sáng.

Việc thông gió và điều hòa không khí có vai trò rất lớn giúp cải thiện chất lượng không khí, nâng cao tiện nghi và sức khỏe cho người sử dụng. Vấn đề này càng quan trọng hơn nữa đối với những công trình xanh và tiết kiệm năng lượng, nhưng thực tế chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Tại hội thảo “Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà” được tổ chức mới đây, GS.TS khoa học Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch danh dự Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết: "Việc thông gió và điều hòa không khí tiêu thụ rất nhiều năng lượng cho công trình, khoảng 50 - 60%".

Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thông thoáng, điều kiện tiện nghi nhiệt và vệ sinh công trình. Tuy nhiên, hầu hết người dân Việt Nam chỉ quan tâm đến vấn đề điều hòa không khí, còn vấn đề thông gió chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là vấn đề cấp gió tươi và trao đổi không khí.

Báo cáo của Trung tâm an toàn sức khỏe dân cư Canada năm 1998 đã chỉ ra rằng, hoạt động sống của con người ở trong nhà chiếm tới 86,9%. Do đó, chất lượng không khí trong nhà có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe con người.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của chất lượng không khí trong nhà, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Không khí sạch, và tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà từ 20 – 30 năm về trước. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang chậm hơn nhiều các nước trên thế giới trong việc ban hành tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà.

Tiêu chuẩn mới

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết: "Tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà trước nay vẫn nằm rải rác ở các tiêu chuẩn liên quan tới điều kiện khí hậu, chất lượng không khí hay những tiêu chuẩn liên quan".

Sau một thời gian nghiên cứu, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã biên soạn thành công Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 - Nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà.

Tiêu chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà, áp dụng cho các nhà ở và nhà công cộng khi đóng kín cửa chống lạnh trong mùa Đông, hay điều hòa không khí làm mát trong mùa Hè.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đặc biệt, Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 sẽ được dùng làm điều kiện cơ sở để thiết kế kết cấu bao che và hệ thống thiết bị thông gió - điều hòa không khí của tòa nhà, đánh giá tiêu chí về chất lượng môi trường trong nhà đối với các công trình xanh.

Đây là tiêu chuẩn hoàn toàn mới được biên soạn dựa trên khảo sát điều kiện môi trường thực tế ở Việt Nam trong 4 năm liên tiếp, kết hợp việc tham khảo tiêu chuẩn của một số quốc gia trên thế giới. Do đó, tiêu chuẩn này vừa có tính hiện đại, hòa nhập quốc tế, vừa có tính thực tiễn, khả thi tại Việt Nam.

Lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, đối với các công trình xanh thì chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chất lượng không khí trong nhà rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 được ban hành, Việt Nam chưa hề có quy chuẩn, tiêu chuẩn nào về chất lượng không khí trong nhà, kiểm tra chỉ tiêu về các hợp chất VOCs, formaldehyde hay nấm mốc trước khi đưa vào sử dụng…

Chính vì thế, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận thấy, lĩnh vực này rất cần có thêm các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn và chính sách để dần dần quản lý, đưa những công trình tại Việt Nam tiệm cận với công trình trên thế giới về mặt vệ sinh, tiện nghi, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh, đối với Việt Nam, đây là những vấn đề tương đối mới nên đang thiếu các chuyên gia, phương pháp và công cụ thử, đặc biệt là thiếu phòng thử nghiệm, cũng như điều kiện kinh tế, kỹ thuật để lấy mẫu, đo đạc, quan trắc, giám sát và thử nghiệm, từ đó đánh giá các chỉ tiêu này.

 
Bộ Xây dựng rất hy vọng việc ban hành Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 cùng với các hoạt động phổ biến, nâng cao kiến thức và sự vào cuộc của đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, lắp đặt thiết bị công trình sẽ giúp cải thiện sự quan tâm về điều hòa không khí và thông gió.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần