Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để dẹp “loạn” trông giữ xe không phép, sai phép: Quy trách nhiệm rõ ràng

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi đề cập đến những điểm trông giữ xe không phép, sai phép đang mọc tràn lan tại Hà Nội, nhiều cơ quan chức năng vẫn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đó chính là một trong những vấn đề lớn nhất cần giải quyết nếu muốn dẹp “loạn” trông giữ xe, góp phần lập lại trật tự đô thị cho Hà Nội.

Quản lý yếu kém
Càng ngày Hà Nội càng phát hiện ra nhiều điểm trông giữ xe không phép, sai phép, đặc biệt là trong khu vực nội thành. Từ đất dự án bỏ không cho đến đất nông nghiệp xen kẹt, đất dành chờ cho phúc lợi công cộng; hay vỉa hè, lòng đường, từ trục chính đến đường nội bộ khu dân cư... đâu đâu cũng có thể trở thành bãi trông giữ ô tô, xe máy, bất chấp quy định của pháp luật.
 Bãi trông giữ xe không phép tại lô 14 Mạc Thái Tông, quận Cầu Giấy. Ảnh: Ngọc Hải
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất là quản lý yếu kém. Đơn cử như trường hợp bãi trông giữ xe tại Lô 14 Mạc Thái Tông, phường Yên Hòa (Cầu Giấy). Khi phóng viên Kinh tế & Đô thị thông tin đến Đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy về vi phạm trông giữ xe không phép tại đây, chỉ huy Đội cho biết đã từng xử phạt, đồng thời lập tức kiểm tra, xử phạt lần thứ 2. Nhưng ngay ngày hôm sau, chủ bãi lại “điềm nhiên” trông xe tiếp.

Một điển hình khác là bãi trông giữ xe trên đất dự án nằm chờ tại số 4 Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm). Bãi trông giữ này đã từng 2 lần bị Thanh tra Sở GTVT xử phạt hành chính. Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh Lê Trọng Sỹ cho biết bãi phát sinh từ tháng 1, nhiều tháng qua hoạt động không phép. Nhưng ông Sỹ cũng cho hay: “UBND phường chưa có văn bản mà chỉ trao đổi miệng với Công an phường, đề nghị kiểm tra, xử lý; đồng thời yêu cầu chủ bãi đi xin cấp phép tạm thời”. Kiểu ứng xử để cho vi phạm tồn tại và yêu cầu đi xin phép, như trường hợp nêu trên, dường như đang rất phổ biến tại các phường nội thành Hà Nội.
Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Đây không còn là chạy theo vi phạm nữa mà có thể nói là “lững thững đi theo vi phạm”. Như thế cũng không khác gì chấp nhận cho vi phạm tồn tại”.

Hệ lụy ai gánh?

Có rất nhiều cách lý giải mà cơ quan chức năng đưa ra để biện minh cho việc trong nội thành Hà Nội tồn tại hàng trăm bãi trông giữ xe không phép, trong đó, phổ biến nhất là “nhu cầu của người dân là có thật”. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Tất nhiên, nhu cầu đỗ gửi xe của đô thị Hà Nội là rất lớn và TP vẫn chưa đủ năng lực đáp ứng hết. Nhưng hãy nhìn vấn đề từ phía các nhà quản lý đô thị”.
Ông Thắng phân tích, có nhiều địa phương hiện đang tồn tại những lô đất dự án chậm triển khai, đất nông nghiệp xen kẹt... Khi những vị trí này biến thành bãi đỗ thì không chỉ có xe của người dân địa phương mà cả xe khách, xe tải, xe hợp đồng, xe vãng lai cũng kéo đến đậu đỗ. Thậm chí nhiều điểm còn trở thành bến “cóc”, kho bãi mà chính quyền không thể quản lý nổi.

Bên cạnh đó, TP đang có chủ trương hạn chế xe cá nhân, càng mọc ra nhiều điểm đỗ gửi tạm thời thì càng khó thực hiện chủ trương này. Ông Thắng nhìn nhận: “Lấy ví dụ như khu vực Hoàn Kiếm. Chúng ta đang muốn hạn chế xe cá nhân ra vào để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường nên tăng giá phí và hạn chế đối tượng được cấp phép trông giữ phương tiện. Nếu cứ để các bãi tạm mọc tràn lan thì các biện pháp nêu trên có còn ý nghĩa nữa không?”.
Ngoài ra, tiền thu được từ các điểm trông giữ không phép, sai phép sẽ chảy vào túi ai? Dĩ nhiên không phải là ngân sách, không được dùng để duy trì và tái đầu tư cho hạ tầng của TP mà nó chảy vào túi riêng của một nhóm lợi ích. Thạc sỹ Phan Trường Thành còn lưu ý: “Nguồn lợi bất hợp pháp nhưng khổng lồ này rất có thể đang làm tha hóa một bộ phận cán bộ. Không được chia chác, dễ gì lực lượng chức năng để cho vi phạm tồn tại nhiều như hiện nay?”.
Rõ người, rõ việc

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang khẳng định, muốn xử lý được triệt để vi phạm trông giữ xe không phép, sai phép, trước hết cần phải rõ ràng với nhau về trách nhiệm. “Rõ ràng để chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy, để có thể cộng đồng trách nhiệm, tăng cường hiệu quả phối hợp với nhau nhằm giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, thấu đáo” - ông Quang phân tích.

Theo lý giải của ông Trần Nhật Quang, việc quản lý, xử lý vi phạm trông giữ xe trên các tuyền đường phố đã hình thành, có tên tuổi rõ ràng hoặc các điểm do Sở GTVT Hà Nội cấp phép là trách nhiệm của Sở. Nhưng trong các dự án nằm chờ, đất nông nghiệp xen kẹt, đất dành cho công trình phúc lợi công cộng, trên vỉa hè... đã được TP giao trách nhiệm chính cho UBND các quận, huyện, phường, xã.
Ông Quang nhấn mạnh: “Đây thực chất là công tác quản lý đất đai của chính quyền phường, xã, quận, huyện. Quản lý tốt đất đai, sử dụng đúng mục đích thì chẳng có cơ hội nào cho các bãi xe không phép phát sinh, tồn tại”. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải giao và nhận rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong mọi mặt lĩnh vực công tác, nhất là đảm bảo trật tự đô thị.

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá: “Thanh tra Sở GTVT Hà Nội không có chức năng và cũng không đủ thẩm quyền để đóng cửa một lô đất dự án, hay rào kín một khoảnh đất nông nghiệp. Đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương”. Các chuyên gia còn cho rằng, mổ xẻ, phân tích một cách thấu đáo sẽ thấy, vấn đề ở đây không chỉ là thẩm quyền, chức năng mà sâu xa và quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm.
Nếu các địa phương có trách nhiệm với việc quản lý đất đai thì bằng vào sự phối hợp của Thanh tra Sở GTVT, Công an TP và đoàn thể chính trị không thể không xử lý được vi phạm. Thạc sỹ Phan Trường Thành chia sẻ: “Đáng buồn là khi nói đến vi phạm trông giữ xe không phép, sai phép, nhiều đại diện chính quyền địa phương lại đùn đẩy trách nhiệm cho lực lượng Công an và Thanh tra GTVT, thậm chí đổ lỗi cho người dân. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, sòng phẳng với nhau, đúng sai rõ ràng vì mục tiêu chung lập lại trật tự đô thị cho TP”.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, riêng lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động trông giữ phương tiện 676 triệu đồng. Từ 1/1 - 7/3, liên ngành Thanh tra Sở Tài chính, GTVT, Cục Thuế Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này 1,096 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, do tác động tiêu cực từ việc phát sinh quá nhiều điểm trông giữ ngoài luồng, nhất là từ khi áp dụng mức giá trông giữ mới theo Quyết định số 44/2017/QĐ - UBND của UBND TP Hà Nội, doanh thu của đơn vị đã sụt giảm từ 30 - 40%.