Để di sản xứ Đoài ngày càng được phát huy

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/4, tại thị xã Sơn Tây đã diễn ra Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhân kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022).

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai tới dự và phát biểu tại hội thảo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai tới dự và phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” do Thị ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai đã đến dự và phát biểu hội thảo.

Tâm huyết bảo tồn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” đã nhận được 39 bài tham luận của 42 tác giả là các nhà nhà khoa học, nhà quản lý. Đây đều là những bài viết công phu, đầy tâm huyết được đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu của các tác giả. Chính bởi thế, những tham luận trên có hàm lượng khoa học lớn, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Đoài.

Những tham luận của các tác giả tham dự hội thảo sẽ góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Nhiều đại biểu đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Đoài. Có thể kể đến các tham luận như: Văn hóa xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; lễ hội dân gian xứ Đoài; truyền thống khoa cử và các nhà khoa bảng xứ Đoài; một số bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Sơn Tây thời Nguyễn cuối năm Quý Tỵ 1883;

Giá trị lịch sử - văn hóa của Thành cổ Sơn Tây; Thành cổ Sơn Tây - công trình quân sự tiêu biểu phía Tây Thăng Long; bảo tồn Thành cổ Sơn Tây - Di tích tiêu biểu của xứ Đoài ngàn năm văn hiến; khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch thị xã Sơn Tây hiệu quả, bền vững; những di tích lịch sử - văn hóa trên đất Sơn Tây…

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh tại khuôn viên sân hội trường Tây Đô.
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh tại khuôn viên sân hội trường Tây Đô.

Bước đệm để phát triển du lịch xứ Đoài

Theo Bí thư Thị ủy Trần Anh Tuấn, thị xã Sơn Tây là trung tâm của xứ Đoài, nơi có hệ thống di sản văn hóa nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với mảnh đất và con người Sơn Tây. Có thể kể đến các di sản như làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền, Văn Miếu Sơn Tây…

Đặc biệt là Thành cổ Sơn Tây, xưa nay vẫn được biết đến là một trong “Tứ trấn thành” bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa vẫn lưu giữ được những dấu tích còn lại cùng không gian cổ kính làm nên giá trị quý báu của một công trình mang dấu ấn lịch sử. Chính tại Thành cổ Sơn Tây đã chứng kiến cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân Sơn Tây chống lại sự tấn công của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.

“Nhân kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, thị xã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng những đặc trưng của di sản văn hóa xứ Đoài nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng, mà tiêu biểu là Thành cổ Sơn Tây” – Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo thị xã Sơn Tây khẳng định, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến thực trạng và định hướng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài với trung tâm là các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Trong thời gian tới, thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng như T.Ư cùng quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung, góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội thị xã Sơn Tây và Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nhận định, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây là một việc làm rất có ý nghĩa về nhiều phương diện. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, trong bối cảnh hội nhập và quá trình đô thị hóa ngày càng sâu rộng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc xứ Đoài luôn là sự quan tâm của TP Hà Nội trong ứng xử với di sản trên địa bàn Thủ đô - nơi mà mỗi tấc đất đều in đậm những dấu tích ngàn xưa. Đặc biệt, với thị xã Sơn Tây - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng, có lợi thế về giao thông và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa.

Do vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” là dịp rất quan trọng để chúng ta khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng những đặc trưng của di sản văn hóa xứ Đoài nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng, mà tiêu biểu là Thành cổ Sơn Tây - Từng là một trong bốn trọng trấn của Thăng Long xưa. Đồng thời, Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, giới trí thức, nhà doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung, góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế, xã hội thị xã Sơn Tây và Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững.

Từ mục đích, ý nghĩa của Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai mong muốn các nhà khoa học, quản lý sẽ thảo luận, trao đổi để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam trước xu thế hội nhập, phát triển của Thủ đô và đất nước; đặc biệt là hệ thống các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên vùng đất Sơn Tây nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tiêu biểu của văn hóa xứ Đoài. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đề nghị Hội thảo cần  tập trung đánh giá, phân tích và đề xuất các giải pháp gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch văn hóa, hướng tới phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa của Sơn Tây nói riêng và Thủ đô nói chung.

Đối với địa phương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Thanh Mai đề nghị sau Hội thảo, các đơn vị và thị xã Sơn Tây  cần làm tốt công tác tuyên truyền về kết quả Hội thảo, có kế hoạch truyền thông về giá trị di sản văn hóa xứ Đoài - Sơn Tây, giới thiệu các bài viết có chất lượng trên các ấn phẩm sách, báo, phóng sự truyền hình... Đặc biệt, Sơn Tây cần phát huy tinh thần và giá trị Hội thảo, tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

 

Thành cổ Sơn Tây được hoàn thành vào năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822), thời Nguyễn, Thành cổ Sơn Tây là một trong 4 trọng trấn ở Bắc Kỳ, phía trong bảo vệ, che chở cho kinh thành Thăng Long; bên ngoài làm bàn đạp, hậu cứ để triều đình bảo vệ vùng biên cương ở vùng thượng lưu sông Hồng. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần