Đê điều chưa hết nỗi lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những diễn biến bất thường của thời tiết khiến tình hình thiên tai lụt bão từ đầu năm 2015 đến nay trên địa bàn Hà Nội đã và đang tác động không nhỏ tới an toàn hệ thống đê điều cũng như tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Điều này đòi hỏi các cấp, ban, ngành cần sớm có giải pháp khắc phục trong trung và dài hạn.

Bất an vì thiên tai 

Đê tả Bùi thuộc địa phận xã Trung Hòa (Chương Mỹ) là tuyến đê phòng hộ kết hợp giao thông. Trong chuyến khảo sát tháng 9 vừa qua tại khu vực này, phóng viên ghi nhận, tuyến đê bị sạt lở phần mái phía sông, cung sạt trượt dài 20m, khoét sâu hàm ếch vào đường bê tông. Trong khi đó, tại bờ hữu sông Tích thuộc xã Thủy Xuân Tiên, ông Trần Đức Tuyên – Phó trưởng thôn Tiên Trượng bày tỏ lo ngại, nhiều diện tích đất ven sông đã bị nước lớn cuốn trôi trong những trận mưa lớn từ đầu năm. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, con đê đất ngăn sông Tích với trên 100ha đất canh tác nông nghiệp của thôn và các xã lân cận sẽ đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm khi nước lũ lên cao. Tương tự, bờ tả sông Nhuệ thuộc xã Nguyễn Trãi (Thường Tín), bờ hữu sông Cầu thuộc xã Xuân Giang (Sóc Sơn), ảnh hưởng của mưa bão cũng đã làm xuất hiện các cung sạt trượt kéo dài thân đê. Sạt lở diễn ra nghiêm trọng khiến kết cấu thân đê, mái đê, đường đê bị phá vỡ, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân…
Bờ hữu sông Tích thuộc huyện Chương Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng.
Bờ hữu sông Tích thuộc huyện Chương Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng.
Sự xuống cấp của một số đoạn đê nêu trên chỉ là lát cắt cho thấy ảnh hưởng ngày một phức tạp của mưa bão đến an toàn đê điều trên địa bàn TP. Theo ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT), do nhiều năm chưa chống chịu với mưa bão lớn nên hệ thống đê điều Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều những đoạn “đê khô”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao khi xảy ra nước lũ. Số liệu quan trắc của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn TP, các cơ quan khí tượng thủy văn những năm trở lại đây cũng cho thấy, mực nước trên các sông, đặc biệt là sông Hồng, sông Đà, sông Đuống thường xuyên có sự chênh lệch cao giữa 2 mùa (mùa lũ và mùa kiệt lớn). Mặt khác, tác động của việc điều tiết nước liên hồ Hòa Bình – Sơn La – Thác Bà – Tuyên Quang và tình trạng khai thác cát trên các sông đã và đang khiến tình trạng sạt lở bờ sông phía hạ du diễn biến ngày một phức tạp, đe dọa nghiêm trọng tới an toàn công trình đê điều, tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Cần được ưu tiên nguồn lực

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, những năm qua, bằng các nguồn vốn T.Ư và TP, Hà Nội đã tập trung đầu tư tu bổ, nâng cấp, gia cố đê kè, chống sạt lở nguy hiểm. Một loạt dự án phòng chống lũ dọc sông Hồng thuộc các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đan Phượng, Ba Vì đã được hoàn thành. Một số trọng điểm xung yếu tại Cổ Đô (Ba Vì), Đổng Viên (Phù Đổng, Gia Lâm) hay Cẩm Hà (Sóc Sơn) từng bước được xóa bỏ, góp phần quan trọng đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn TP. Cùng với đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện cứng hóa mặt đê, làm đường hành lang chân đê, trồng tre chắn sóng tại các tuyến đê. Đến nay, các tuyến đê cấp IV đến cấp đặc biệt cũng đã cơ bản được cứng hóa. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, tình trạng sạt lở vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên các tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ… 

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Đức Trung, trong điều kiện ngân sách có hạn, TP vẫn cố gắng bố trí vốn cho các dự án tu bổ, nâng cấp đê điều, tuy nhiên, nguồn lực này so với nhu cầu còn rất hạn chế. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, đầu tư các dự án nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tập trung đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được phê duyệt; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, lụt bão từ nay tới hết năm 2015 cũng như những năm tiếp theo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần