Để dọn rác không chỉ là trào lưu

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Challenge For Change tức “Thử thách dọn rác” đang là một trào lưu lan tỏa trên mạng xã hội được giới trẻ Việt Nam và thế giới tích cực hưởng ứng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thành công với thử thách là một chuyện, còn giữ được hay không lại không đơn giản.
Người làm, kẻ phá
Ngày 7/4, một nhóm bạn trẻ xấp xỉ 40 người đã tham gia chương trình dọn rác dưới chân cầu Xuân Lai (Xuân Thu, Sóc Sơn). Sau khoảng 4 giờ làm việc hăng say, nhóm đã thu dọn gần như toàn bộ rác thải dưới chân cầu và mép sông. Ngay sau khi sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, nhóm bạn trẻ đã nhận được rất nhiều lời ca ngợi cho tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sống xung quanh.
 Ao Chạ sau khi đã được dọn dẹp. Ảnh: Công Trình
Tuy nhiên, đáng buồn thay, sau khi chương trình kết thúc, một số người dân xung quanh thiếu ý thức vẫn thản nhiên “quen tay” xả rác tại khu vực này. "Sau khi chúng tôi rời nơi này trở về nhà, chỉ sau 3 tiếng, đã có người dân mang rác ra cầu và ném xuống địa điểm mới được dọn. Mặc dù đã có băng rôn kêu gọi mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, lưới sắt bao bọc nhưng vì tiện tay mà người dân vẫn thả rác từ trên cầu xuống" - Tiến Huy, một thành viên của nhóm tình nguyện dọn rác tại chân cầu Xuân Lai chia sẻ.
Một ví dụ khác, phong trào dọn rác, phát quang ao Chạ (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) do Đoàn Thanh niên phường Mai Dịch thực hiện cũng luôn đứng trước nguy cơ “người làm, kẻ phá”. Theo Bí thư Đoàn Thanh niên phường Mai Dịch Trương Thị Minh Tâm, trước đây, xung quanh ao Chạ hàng quán mọc lên chêm kín đường. Trong quá trình kinh doanh, sinh hoạt, nhiều người thiếu ý thức đã đổ thẳng rác thải xuống ao gây ô nhiễm môi trường.
Cũng vì cảnh "cha chung không ai khóc", kè ao mọc đầy cỏ, cây dại khiến ao Chạ càng trở nên nhếch nhác là môi trường sống lý tưởng cho ruồi, muỗi… “Đến thời điểm này, ao Chạ vẫn giữ được vẻ đẹp như ngày mới hoàn thành chương trình. Tuy nhiên, khi đã xanh, sạch, đẹp thì tình trạng lấn chiếm đường bao ven ao có thể diễn ra bất cứ lúc nào” – Bí thư Đoàn Thanh niên phường Mai Dịch lo lắng.
Một cây làm chẳng nên non
Để thực hiện chiến dịch dọn rác, phát quang ao Chạ, Đoàn Thanh niên phường Mai Dịch đã huy động 40 đoàn viên, chia nhóm làm việc liên tục trong vòng 4 ngày. "Các đoàn viên đều có lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến, được làm những việc có ích cho địa phương. Tuy nhiên, điều khiến những đoàn viên trăn trở nhất là làm sao giữ được những kết quả của chiến dịch. Từ đó, ngay từ khi nhận được chủ trương của UBND phường về việc dọn dẹp ao Chạ, đoàn viên thanh niên của phường đã xung phong nhận nhiệm vụ.
 Đoàn Thanh niên phường Mai Dịch dọn dẹp rác thải trong ao Chạ.
Đồng thời kiến nghị Đảng ủy, UBND chỉ đạo Công an phường và các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cảnh quan, vệ sinh môi trường ao Chạ" - Bí thư đoàn phường Trương Thị Minh Tâm chia sẻ.
Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đang có nhiều tác động đến giới trẻ. Trong những tác động đó, trào lưu dọn rác trên mạng xã hội rất đáng trân trọng. Bởi, hành động tham gia dọn rác của giới trẻ đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường sống, thay đổi ý thức của không ít người dân.
Tuy nhiên, để “Thử thách dọn rác” đem lại hiệu quả lâu dài, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là những người dân sống trong khu vực. Trong đó, một trong những nhiệm vụ tối quan trọng là xử phạt để tạo sức răn đe, tránh những tình huống như đã diễn ra ở cầu Xuân Lai (Sóc Sơn).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần