Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không bị động nguồn cung xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xảy ra sự cố kỹ thuật, tài chính khiến công suất cắt giảm lại gây ra xáo trộn thị trường xăng dầu trong nước. Nếu Bộ Công Thương không kịp thời có giải pháp bù đắp nguồn cung thì nguy cơ thiếu xăng dầu là khó tránh khỏi.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động

Những ngày gần đây, thị trường xăng dầu trong nước lại phập phồng lo nguồn cung khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có nguy cơ ngừng hoạt động. Tháng 4/2023, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan việc thiếu hụt dòng tiền, không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính, có nguy cơ dừng hoạt động.

Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn do Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn vận hành. Ảnh: Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn do Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn vận hành. Ảnh: Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Cụ thể, theo báo cáo, nếu không thể tái cấu trúc tài chính thành công, NSRP sẽ không thể vừa thanh toán kỳ trả nợ vay đến hạn vào tháng 5/2023 cho các bên cho vay, cũng như có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy.

Trường hợp giả định khi không có tái cấu trúc tài chính, NSRP sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5/023 và 277 triệu USD vào tháng 11/2023. Điều này đồng nghĩa với việc NSRP sẽ phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bên góp vốn.

Hiện tại, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo 100% công suất. Tuy nhiên, dự kiến đến tháng 8/2023, nhà máy sẽ tiến hành bảo dưỡng ít nhất 55 ngày. Việc này, NSRP đã báo cáo Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, PVN để có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

 

Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng 35 - 40% lượng xăng dầu trong nước nhưng lại hoạt động không ổn định, trong khi về mặt cam kết Bộ Công Thương ưu tiên tiêu thụ việc sản xuất ở nhà máy này. Vì vậy, Bộ sẽ luôn bám sát hoạt động của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nhưng quyền chỉ ở mức độ nhất định do PVN chỉ nắm giữ 25,1% cổ phần.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) Trần Thanh Tùng cho hay: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước chiếm 35 - 40% thị phần. Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhà máy này đã sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại và đến nay nhà máy vẫn hoạt động ổn định.

“Về vấn đề thiếu dòng tiền của nhà máy này, ngày 19/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và các bên liên doanh nước ngoài về vấn đề tái cấu trúc của Nghi Sơn. Theo đó, việc tái cấu trúc là vấn đề nội tại của DN, thuộc trách nhiệm của DN. Đồng thời, Bộ Công Thương khẳng định, lọc hóa dầu Nghi Sơn và PVN, các bên liên doanh cần chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc đảm bảo hoạt động hiệu quả" – Trần Thanh Tùng thông tin.

Không để nguồn cung xăng dầu gián đoạn trong mọi tình huống

Nêu ra các giải pháp để ứng phó nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trục trặc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn cho biết: Bộ Công Thương luôn chú trọng theo dõi tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các DN đầu mối để đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Về tổng nguồn năm 2023, Bộ đã giao cho các DN hồi tháng 12/2022 cụ thể về số lượng, chủng loại.

Bộ Công Thương luôn theo dõi tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các DN đầu mối để đảm bảo nguồn cung. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ Công Thương luôn theo dõi tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các DN đầu mối để đảm bảo nguồn cung. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ đạo đầu mối xăng dầu thực hiện cung ứng đủ nguồn xăng dầu đã được phân giao, duy trì hoạt động bán hàng, chia sẻ lợi nhuận cho các đại lý hợp lý. Đồng thời, Bộ theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới đảm bảo hài hòa giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các DN đầu mối vay vốn để nhập xăng nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước đảm bảo và không bị gián đoạn trong mọi tình huống.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Bộ công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Vụ thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong trường hợp cần thiết, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ xem xét giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động thực hiện, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống

Cùng với đó, Vụ thị trường trong nước phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các DN duy trì nguồn cung.

Hiện nay, Vụ thị trường trong nước cũng đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vận hành ổn định Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với DN đầu mối và các thương nhân phân phối; tiến tới triển khai quản lý theo thời gian thực từ quý III năm 2023.

 

Việc hoạt động sản xuất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có trục trặc cũng như báo cáo của DN cho thấy nguồn cung xăng dầu trong nước có thể bị ảnh hưởng trong quý II/2023. Do đó, giải pháp tình thế trước mắt là phải tăng nhập khẩu để bù khoản thiếu hụt. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần ngồi lại để bàn tính nghiêm túc vấn đề này để đưa ra giải pháp lâu dài, hợp lý với nhà đầu tư.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá (Bộ Tài chính)