Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn từ vụ cháy tại phường Định Công:

Để không còn bị ám ảnh cảnh “những bàn tay vẫy cầu cứu"

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hình ảnh ánh sáng le lói từ chiếc điện thoại di động và những cánh tay trẻ em vẫy cùng tiếng kêu cứu từ tầng 6 khiến tôi ám ảnh mãi không nguôi” - bà Hạnh, hàng xóm gia đình bị hỏa hoạn tối 16/6 tại phường Định Công chia sẻ.

Sáng 17/6, Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ hỏa hoạn khiến 4 người tử vong ở số 207 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai. Danh tính nạn nhân tử vong gồm: bà N.M.H. (53 tuổi) và 3 cháu nhỏ N.Đ.Đ.S. (11 tuổi), N.T.A. (6 tuổi), N.D.K. (2 tuổi). Chồng bà H. là ông N.Đ.S. đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bưu điện.

Nhìn từ hiện trường vụ cháy

Vụ cháy xảy ra đúng 1 ngày sau mốc thời gian 14 phường trên địa bàn quận Hoàng Mai báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/5/2024 của UBND quận Hoàng Mai về tổng rà soát, kiểm tra, phúc tra về PCCC&CNCH đối với cơ sở nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini) và loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn quận Hoàng Mai (giai đoạn 1 kết thúc ngày 15/6/2024).

Cần cấm lập kho chứa hàng hóa dễ cháy nổ tại các nhà ở kết hợp kinh doanh để tránh hậu quả đáng tiếc như tại 207 Định Công Hạ. Ảnh TA
Cần cấm lập kho chứa hàng hóa dễ cháy nổ tại các nhà ở kết hợp kinh doanh để tránh hậu quả đáng tiếc như tại 207 Định Công Hạ. Ảnh TA

Địa điểm xảy ra vụ cháy tại phường Định Công là nhà ở kết hợp kinh doanh. Ghi nhận tại hiện trường, từ tầng 1 đến 3 dùng để kinh doanh, tầng 4 trở lên để ở, hàng hóa xếp kín cầu thang. Đối với quận Hoàng Mai nhà trọ, chung cư mini và nhà ở kết hợp kinh doanh chính là những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.

Số nhà 207 Định Công Hạ, cũng như phần lớn các nhà ở kết hợp kinh doanh hiện nay đều tận dụng cầu thang, mặt tiền nhà hoặc các tầng thấp làm nơi để hàng hóa. Việc chủ nhà tận dụng sắp xếp hàng hóa kín cầu thang, tầng nhà vô hình trung đã bịt lối thoát nạn sinh tử của nạn nhân. Hình ảnh những cái vẫy tay tuyệt vọng đã khiến cho chúng ta còn day dứt mãi.

Mặt tiền tầng 2, 3 của ngôi nhà bị các biển quảng cáo bịt kín. Các tầng trên chủ nhà lắp “chuồng cọp” chống trộm khiến cho cơ hội thoát hiểm khi hỏa hoạn thấp đi rất nhiều.

Cần quy định phải có cửa thoát hiểm cho các tòa nhà hình ống, có "chuồng cọp" như thế này. Ảnh TA
Cần quy định phải có cửa thoát hiểm cho các tòa nhà hình ống, có "chuồng cọp" như thế này. Ảnh TA

Một cảnh sát PCCC tham gia cứu chữa cho biết, vì tầng 1, 2 của ngôi nhà này chất kín hàng hóa, gồm: sơn, keo, máy bơm, vật liệu xây dựng... nhiều chất dễ cháy, khói hóa chất độc hại nên gây khó khăn cho việc thoát nạn và công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Trao đổi nghiệp vụ, đại úy, thạc sĩ Kiều Văn Dũng (Đại học PCCC) cho biết, đối với những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao chủ nhà bắt buộc phải đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên, như lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái...

Hiện nay, trong khi chưa có quy định cấm lập kho cất trữ hóa chất dễ cháy nổ đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh thì chính quyền các cấp, cảnh sát khu vực cần kiểm tra nhắc nhở, cảnh báo chủ nhà không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ, không để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Kinh nghiệm từ các vụ cháy gần đây tại nhà ở kết hợp kinh doanh cho thấy cần bố trí đồ đạc, vật dụng trong nhà một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn trong nhà. Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi chặn cửa thoát hiểm làm mất tác dụng của lối, đường thoát nạn và có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, nhưng thực tế các địa phương chưa mạnh tay xử lý vi phạm này.

Chung cư mi ni 55B/141 Nam Dư (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) đã trang bị bóng cứu hỏa, ngăn cách cháy tầng 1 lên trên, chuyển cục nóng điều hòa ra ngoài. Ảnh TA
Chung cư mi ni 55B/141 Nam Dư (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) đã trang bị bóng cứu hỏa, ngăn cách cháy tầng 1 lên trên, chuyển cục nóng điều hòa ra ngoài. Ảnh TA

Vụ cháy vào tối 16/6, bà N.M.H. đã đưa 3 cháu nhỏ lên tầng 6 nhưng do không có mặt nạ, thang dây và không thể phá “chuồng cọp” để thoát ra. Thực tế, mới đây trong quá trình rà soát, thống kê và đánh giá nguy cơ cháy nổ trên địa bàn, UBND phường Định Công đã vận động người dân tự trổ cửa thoát hiểm, để chìa khóa tại nơi dễ nhìn, có thang dây cứu nạn.

Đến nay, mọi việc mới dừng lại ở “vận động” người dân, quy định bắt buộc mới áp dụng cho các đảng viên, công chức, viên chức và người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố. Phải chăng, sau các vụ hỏa hoạn này, chúng ta cần bổ sung quy định bằng buộc các gia đình tự phá dỡ lồng sắt hoặc ít nhất phải trổ cửa thoát hiểm để không phải ám ảnh khi nhìn thấy những cánh tay vẫy, tiếng kêu cứu của trẻ em mà đành bất lực.

Mạnh tay xử lý

Đầu tháng 6/2024, trong buổi làm việc với Bí thư Đảng ủy phường Tân Mai Triệu Hải Vân, ông chia sẻ, Phường có 5.529 hộ gia đình thì 397 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh.

''Nhận thức đây là những địa chỉ có nguy cơ cháy nổ cao, chúng tôi có 2 yêu cầu 2 bắt buộc, căn hộ phải có lối thoát hiểm thứ 2, đồng thời phải có đủ trang, thiết bị PCCC, nếu không, sẽ bị đình chỉ kinh doanh" - Bí thư Đảng ủy phường Tân Mai Triệu Hải Vân nói.

Được biết, không chỉ phường Tân Mai mà các địa bàn khác như phường Hoàng Liệt, Trần Phú, Mai Động, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng… đã và đang mạnh tay trong việc làm đường thoát hiểm đối với các hộ đang có “chuồng cọp”. Thực tế cho thấy, địa phương nào cương quyết xử lý vi phạm thì nơi ấy ít xảy ra cháy nổ, nếu xảy ra cháy nổ thì cũng ít thiệt hại về người, tài sản.

Lãnh đạo TP Hà Nội và quận Hoàng Mai thăm hỏi ông N.Đ.S. Ảnh TL
Lãnh đạo TP Hà Nội và quận Hoàng Mai thăm hỏi ông N.Đ.S. Ảnh TL

Sáng 17/6, trả lời phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, ngay sau khi kết thúc giai đoạn 1 (15/6) về rà soát, thống kê và phân loại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ, đề ra giải pháp khắc phục, quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các phường tiến hành ngay giai đoạn 2. Theo đó, các cơ quan chuyên môn cấp quận, phường sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra, phúc tra việc khắc phục của cơ sở. Nếu cơ sở vẫn cố tình để tồn tại vi phạm sẽ tiến hành tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định, phường nào làm không nghiêm quận sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

 

Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Hoàng Mai đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 98 triệu đồng cho gia đình nạn nhân; Mặt trận Tổ quốc quận hỗ trợ 20 triệu đồng; các đoàn thể quận hỗ trợ 25 triệu đồng; Phòng GD&ĐT quận hỗ trợ 50 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ quận hỗ trợ 35 triệu đồng.