Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn quy định pháp luật “vòng đời” rất ngắn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới hơn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, huy động nhiều hơn các nhà nghiên cứu, chuyên gia và đặc biệt chú trọng, chặt chẽ trong lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động trong quy trình xây dựng. Đó là vấn đề được nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp tục có bước tiến đột phá trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội.

Ảnh minh họa.
Lắng nghe thực tiễn
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu cuộc sống không đi vào luật, nghị quyết thì nghị quyết, luật cũng sẽ không đi được vào cuộc sống. Nếu chỉ ngồi phòng lạnh để làm luật, làm nghị quyết, chắc chắn sẽ không sát thực, không lắng nghe được người dân muốn gì, không lắng nghe thực tiễn cuộc sống như thế nào. Đây cũng là hướng mà Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội tới đây cần chú trọng, để từ đó có hình thức lắng nghe, đánh giá tác động, nhất là các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng.

Nhìn từ thực tế có thể thấy, với những đổi mới liên tục trong công tác xây dựng pháp luật những năm qua đã tạo được kết qua nổi bật. Thể hiện bằng kết quả các luật, pháp lệnh đã được thông qua trong nhiệm kỳ đạt chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội mà đi vào thực tiễn cuộc sống. Như trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thông qua được 72 luật, 135 nghị quyết, đã góp phần hoàn thiện thể chế, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo.

Nhưng các ý kiến cũng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những quy định pháp luật “vòng đời” tồn tại rất ngắn, mới ban hành 1 - 2 năm đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung. Như trong số 72 luật được ban hành trong nhiệm kỳ qua, hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung và điều đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. Nhìn từ thực tiễn, có những quy định pháp luật được ban hành xong lặng lẽ “bỏ xó” như chưa bao giờ ra đời; không ít quy định, ngay từ khi mới ban hành đã thấy những điểm vướng, “lỗi nhịp” với cuộc sống, thậm chí gây khó khăn, bất cập cho chính các cơ quan thực thi pháp luật.

Nhiều nguyên nhân đã được lý giải cho thực trạng này, trong đó có việc chưa đánh giá rõ được tác động; việc lấy ý kiến trong nhiều trường hợp chưa thực chất... Nhưng quan trọng hơn, vẫn còn tình trạng ban hành quy định mang tính chủ quan, xa thực tiễn. Cùng với đó là việc có thể do cài cắm yếu tố xin - cho. Như các ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra, trong một vài trường hợp, các bộ, ngành vẫn còn muốn giữ lại những quyền nhất định trong việc cấp phép, thủ tục hành chính liên quan tới quản lý chuyên ngành của mình... Tại cuộc tọa đàm góp ý dự thảo báo cáo định hướng chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ khóa XV vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp trong thời gian tới, tư duy của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong hoạt động lập pháp vẫn cần được xóa bỏ triệt để. Trong thời gian tới, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy lập pháp theo hướng chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, pháp luật không chỉ thiết lập cơ chế quản lý mà quan trọng hơn là kiến tạo, định hướng và thúc đẩy phát triển.

Đa dạng hình thức lấy ý kiến

Một vấn đề cũng được đề cập tới để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật là nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến của người dân, DN, tránh tính hình thức, "làm cho có" mà cần đi vào thực chất hơn. Vấn đề này đã được quy định rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020). Trong đó, cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan, tổ chức có liên quan. Đồng thời, đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản đó trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan đề nghị xây dựng văn bản trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Thực tế, việc lấy ý kiến vẫn chủ yếu từ các tọa đàm, hội thảo… còn với các đề nghị, dự án, dự thảo đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, ít nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân... Đặc biệt, hình thức đối thoại trực tiếp về chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết với đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản chưa được các tỉnh, TP áp dụng nhiều trên thực tế.…

Để chính sách đi vào cuộc sống, cùng với việc nâng cao công tác soạn thảo, việc đa dạng hình thức lấy ý kiến (thông qua báo chí, tin nhắn, mạng xã hội... thay vì chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử đơn vị), sẽ giúp người dân tiếp cận được các dự thảo văn bản, thiếu thông tin trong việc xây dựng chính sách. Đồng thời, sẽ dần tạo thói quen cho người dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, nhất là các nội dung pháp luật liên quan, tác động đến cuộc sống, sản xuất, kinh doanh của đông đảo người dân.