Để kinh tế vỉa hè trở thành “đặc sản”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khách quốc tế đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đều tỏ ra thích thú ngồi trên vỉa hè nhâm nhi cà phê, uống bia hơi hay thưởng thức ẩm thực đường phố... Nhưng để ''đặc sản'' kinh tế vỉa hè phát huy đúng giá trị, hoạt động này cần được quản lý, sắp xếp quy củ hơn.

Nét đặc trưng của mỗi đô thị

Vỉa hè là bộ phận quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị. Bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, vỉa hè đô thị còn được sử dụng cho mục đích kinh doanh.

Tuy nhiên, với sự phát triển tự phát ồ ạt, các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè đã làm xấu xí bộ mặt đô thị, phiền hà đến người đi bộ. Bởi, bản chất của kinh tế vỉa hè là chiếm dụng không gian công cộng để tìm kiếm lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của kinh tế vỉa hè mang lại là không hề nhỏ. Chính vì vậy, câu chuyện xóa bỏ hoàn toàn hay giữ lại kinh tế vỉa hè đã và vẫn đang được luận bàn nhiều năm nay.

Chợ đêm phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Chợ đêm phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

TS Nguyễn Văn Đáng - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm, ở góc độ xã hội học, kinh tế vỉa hè trở thành nét đặc thù ở xã hội đang phát triển. Với một nước có truyền thống văn hoá tiểu nông như Việt Nam thì kinh tế vỉa hè càng phát triển hơn. Thực tế trên thế giới, nhiều đô thị lớn cũng kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Để tận dụng tốt đặc tính của nó, các nước phát triển và đang phát triển dần hoàn thiện các quy trình và mô hình quản lý để tận dụng không gian của đời sống.

Ví dụ như Quảng trường Times (New York, Mỹ) đã thử nghiệm chặn xe và tạo thành không gian vỉa vè cho người dân sinh hoạt. Song chính từ thử nghiệm đó, con phố này trở nên nhộn nhịp hơn và người dân thích thú với nó. Một số quốc gia ở khu vực châu Á cũng đang mang trở lại các khu phố ẩm thực và quảng bá như một nhận diện văn hóa của nước mình, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… với các chợ đêm, lề đường sôi động, tấp nập.

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, từ rất lâu, kinh tế vỉa hè là một phần tự nhiên của đời sống đô thị, cho dù chưa được đề cập chính danh trong chính sách kinh tế - xã hội của các đô thị. Giữ gìn nét đặc trưng của vỉa hè sẽ giúp cân bằng và hài hòa được nhiều nhu cầu thực tế, nhất là việc giải quyết việc làm, thu nhập… cho một bộ phận cư dân đô thị.

Bày tỏ quan điểm về việc có nên xóa bỏ vỉa hè, kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang - CEO của GK Archi nhắc lại câu chuyện vào năm 2017, TP Hồ Chí Minh mở chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương, dọn dẹp vỉa hè một cách quyết liệt mở đầu từ quận 1.

Kết quả là đường phố thông thoáng, ngăn nắp hơn, nhưng những sinh hoạt thân quen thường ngày biến mất. Do vậy, cần phải có những ứng xử thích hợp với kinh tế vỉa hè, để không làm mất đi kế sinh nhai của người dân vừa có thể bảo đảm được mỹ quan đô thị, giúp hình thành những tuyến phố đặc thù, trở thành một “đặc sản” cho du lịch và mang lại nguồn thu cho ngân sách.

“Tất nhiên, một đô thị văn minh không chấp nhận những cảnh mua bán nhếch nhác, mất vệ sinh, ùn tắc giao thông, nước bẩn và rác thải được người bán xả ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải triển khai nhiều biện pháp quản lý phù hợp không để phát sinh những hệ lụy không tốt” - KTS Lê Nguyễn Hương Giang nêu quan điểm.

Cần đưa vào quản lý linh hoạt

Trước thực tế trên, TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng, việc sử dụng vỉa hè cần được xem xét trên từng tuyến đường phù hợp, tạo không gian sinh hoạt hấp dẫn cho cộng đồng. Giải pháp tốt nhất vẫn là xây dựng quy chuẩn không gian vỉa hè, xác định vỉa hè nào dành cho đi bộ, vỉa hè nào cho phép buôn bán, kinh doanh; khu vực nào được phép đậu xe, trông xe với những quy định, tiêu chí hết sức rõ ràng, cụ thể.

Giải quyết tốt bài toán kinh tế vỉa hè sẽ khắc phục các hoạt động mua bán nhếch nhác, lộn xộn, tạo ra những không gian văn hóa đặc sắc, những giá trị văn hóa phong phú của vỉa hè sẽ được phát huy.

Về quan điểm chính sách cần tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt hơn. Tại các nước phát triển, kinh tế vỉa hè vẫn tồn tại nhưng được quản lý, không là vật cản gây ùn tắc giao thông. Vấn đề là quản lý và thực hiện từng bước, TP Hồ Chí Minh đã có thời gian quyết liệt xử lý hàng rong vỉa hè, nhưng không thành công và không thể thành công vì gắn với nhu cầu xã hội. Ngược lại để kinh tế vỉa hè phát triển tự do cũng không ổn khi mà chỗ nào cũng có thể họp chợ.

Các TP lớn nên công bố những tuyến phố không được lấn chiếm vỉa hè kinh doanh như tuyến phố nằm ở khu vực trung tâm. Với khu phố ở ngoại vi, không quá ảnh hưởng đến sự vận hành cấu trúc đô thị có thể linh hoạt chấp nhận cho kinh doanh buôn bán trên vỉa hè theo từng khu, từng khung giờ, vừa bảo vệ nguồn sống của một số nhóm người yếu thế vừa hạn chế bất cập, tồn tại, đưa kinh tế vỉa hè phát triển bài bản, quy củ và văn minh hơn. Đây là cách các nước tiên tiến đã thực hiện thành công.

Đồng tình quan điểm trên, KTS Lê Nguyễn Hương Giang mong muốn chính quyền các TP lớn sẽ sắp xếp lại và có quy hoạch rõ ràng để kinh tế vỉa hè có điều kiện phát triển. Ví dụ như tại khu vực có vỉa hè rộng có thể cho phép tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ. Những khu vực đông dân cư, tập trung trường học, bệnh viện, nhà máy có thể tổ chức kinh doanh theo giờ, cấm kinh doanh vào giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Trên cơ sở quy hoạch bài bản mới tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh.

Đọc tiếp