Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đê làng - đê phố

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là TP ven sông nên trong làng, ngoài phố, đến đâu cũng bắt gặp những con đê....

Trong nội đô, có đê La Thành, đê Long Biên, đê Yên Nghĩa; bước ra ngoại thành, sẽ thấy đê Tả - Hữu Hồng, đê Tả Bùi - Hữu Đáy… Đã bao đời nay, những con đê đã và đang ôm ấp, che chở cho biết bao thân phận.

Nếu như trong nội đô, đê La Thành, sau ngàn năm vẫn hiện hữu bởi con đường cùng tên. San sát hai bên nhà những nếp nhà phố rêu phong, là chốn nương thân - mưu sinh của hàng ngàn, hàng vạn con người. Ngược lên mạn Bắc, đường Hoàng Hoa Thám, dù đã trải qua cả chục thế kỷ, với bao vật đổi, sao dời… nhưng chỉ cần đánh mắt, không khó để người ta nhận ra bóng dáng con đê một thời, với những con dốc chạy từ mặt đường xẻ xuống 2 bên mang những cái tên rất cũ như La Pho, Tam Đa, Ngọc Hà, Đốc Ngữ… Do đất chật, người đông, nên giờ đây hình hài những con đê trong phố dần dà mai một; nhưng đê chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức người Hà thành; bởi nơi đó là nơi chôn rau, cắt rốn.

Với những đơn vị hành chính mới như quận Long Biên, Bắc Từ Liêm - những con đê chạy qua nơi đây vẫn mang dáng dấp của nông thôn thuở nào. Những triền đê quanh co uốn lượn, quanh năm luôn xanh mướt cỏ hoa. Vào những ngày hè, khi mặt trời đã xế, triền đê chính là nơi để trẻ em thả diều, người già tụ tập hóng mát, thì dẫu có là cư dân thập phương - nhập về “làm người Hà Nội”, cũng đỡ chạnh lòng nhớ tới cố hương, nơi có dòng sông, cây đa, bến nước…

Quay ra ngoại thành, những dải đê kéo dài ngút mắt ở hai bên Tả - Hữu sông Hồng, với “lặng lẽ bờ xanh, tiếp bãi vàng”, chính là “miền ký ức” của bao thế hệ. Nơi đây là nguồn sống, là quê hương, là kỷ niệm tuổi thơ của bao người; dẫu có đi xa bốn phương - tám hướng hỏi mấy ai quên? Những buổi chiều lộng gió, thả trâu, bò gặm cỏ trên triền đê, đám trẻ tha hồ tụ tập chọi cỏ gà, thả diều, đá bóng. Với những trai gái nơi thôn dã, bờ đê nhiều khi là… công viên kỷ niệm. Đó có thể là nơi ghi dấu ấn của mối tình đầu trong trắng, để nên duyên vợ chồng.

Viết tới đây tôi chợt nhớ đến ông anh đồng môn ở Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội xưa là thi sĩ Nguyễn Duy từng có thơ rằng: “Một thời xa vắng chia hai/ Dấu chân mãi mãi chụm ngoài bờ đê/ Cũng từ độ ấy xa quê/ Hương bồ kết cứ đi về đêm đêm…”. Phải chăng Nguyễn Duy đã từng có một “tấm tình” với cô gái nào đó? Nhưng nói tếu táo một chút, đê - đôi khi cũng rất có thể là nơi kết thúc của những cuộc dang dở - kiểu như “không yêu thì trả dép để “bố” về”.

Với tôi, con đê nơi quê nhà xứ miền Trung xa xôi luôn đầy ắp kỷ niệm, nhưng đó chỉ là những chuyện buồn. Thời cách nay hơn 40 năm, mặt đê là những sống trâu lồi lõm; nhưng là tuyến giao thông huyết mạch để đi từ xã lên trung tâm huyện. Nắng đã khổ, mưa thì chỉ còn nước dắt xe đi bộ… Vào chiều Đông, tan trường với cái bụng rỗng, lầm lũi trong lầy lội, rét mướt, đi bộ còn lên bờ, xuống ruộng, lại còn phải “cõng” cả chiếc xe đạp cà tàng… Rồi những trận lụt, đê vỡ, mùa màng, nhà cửa đều… tỏng tòng tong. Sau đó là nạn đói kéo dài cả năm trời, qua nhà xơ xác, người dân tha phương cầu thực…

Nhưng dẫu sao, cái gian nan vất vả ấy, nhiều thế hệ vẫn kiên gan tồn tại, để rồi sau chừng ấy thời gian, bây giờ tất cả đã đổi mới. Đường đê giờ được kiên cố bê tông phẳng lừ, xe cộ lao vun vút, cuộc sống thay đổi một cách thần kỳ. Mỗi đận về quê, vi vu nơi triền đê bằng con “xế hộp cỏ”, mà lòng thấy vui. Đúng là, đắng cay mới thấy ngọt lành…