Để lễ tang trọn vẹn nghĩa tình trong thời điểm giãn cách

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều gia đình quyết định tổ chức lễ tang nhỏ gọn, chỉ có người thân. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên trách, lễ tang trong bối cảnh xã hội giãn cách vẫn được tổ chức trọn vẹn nghĩa tình, nhận được sự đồng tình của gia quyến.

Tiễn biệt trực tuyến

Vừa qua, gia đình chị N.V.T (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) có người mất do tuổi cao sức yếu. Theo quan niệm để lễ tang diễn ra chu toàn, một vị cao niên trong nhà đề xuất cần nhờ thầy xem tuổi và chỉ động quan sau 3 ngày. Người lại cho rằng không nên động quan sớm để người thân sắp xếp công việc cho tròn đạo lý “nghĩa tử nghĩa tận”.

“Tôi đã đề nghị chỉ nên gói gọn lễ tang trong 2 ngày bởi đang dịch Covid-19. Chính quyền địa phương cũng vận động gia đình tổ chức tang lễ trong vòng rút ngắn, không quá 24 giờ sau khi bà mất. Nghe tôi phân tích, thành viên trong gia đình đã thống nhất, bà mất 19 giờ tối thì 7 giờ sáng hôm sau sẽ thuê dịch vụ tốt nhất để đưa cụ đi hoả táng, gửi tro cốt ở nghĩa trang Văn Điển. Khi nào hết giãn cách xã hội, gia đình phát tang làm lễ viếng. Gia đình đều thấy hợp lý nên mọi người đều đồng tình” – chị N.V.T chia sẻ.
 Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại một đám tang trong khu vực cách ly.

Thực tế cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều gia đình ở Hà Nội cũng đã rút gọn việc lo hậu sự cho người thân. Anh B.V.A (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Ông của tôi mới mất, vì dịch Covid-19 nên chỉ các con lo hậu sự. Chúng tôi báo tin cho họ hàng để biết và đề nghị không cho ai đến viếng để phòng dịch bệnh. Hiện giờ, tro cốt của ông đang ở Văn Điển. Đến khi, Nhà nước cho hết giãn cách, gia đình mới làm lễ tang để mọi người đến tiễn biệt”.

Trong bối cảnh, Hà Nội giãn cách, người dân các tỉnh đang ở Thủ đô cũng lựa chọn cách thực hiện tang lễ nhỏ gọn. Anh L.H.P (Thái Bình) đưa người thân lên chữa bệnh ở Hà Nội, xong do tuổi cao, sức yếu mà qua đời. Không thể đưa người thân về Thái Bình để lo hậu sự, anh L.H.P đã thống nhất với anh em ruột thịt ở quê thực hiện hỏa táng, gửi tro cốt ở nhà hóa thân. “Tôi gọi điện thoại cho anh em thống nhất phương thức lo hậu sự. Sau đó, tôi gọi video để anh em chia tay người thân về nơi an nghỉ qua hình thức trực tuyến. Sẽ không ai trách cứ việc họ hàng, làng xóm không thể đến thắp hương giữa mùa dịch bệnh”.

Chính quyền hỗ trợ

Thời gian qua, bên cạnh việc người dân chủ động rút gọn các khâu thực hiện lễ tang, chính quyền địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ người dân trong việc lo hậu sự. Đơn cử, ngày 31/7, trong lúc UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định cách ly y tế, trên địa bàn phường Chương Dương có một đám tang cũng bắt đầu diễn ra. Lúc này, tâm lý gia đình có tang rất lo lắng, hoang mang. Có mặt trực tiếp tại vùng cách ly y tế, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân đã vận động tổ chức lễ tang trong nội bộ gia đình gồm 5 người với sự hỗ trợ tổ chức của chính quyền địa phương.

Theo đó, tang lễ được bố trí ở địa điểm đảm bảo thông thoáng, gia đình chỉ gồm 5 người thân, không tổ chức lễ viếng. Những người trong gia đình được y tế địa phương bố trí người đo và giám sát nhiệt độ. Quá trình tổ chức với sự hỗ trợ của chính quyền, lực lượng tại chỗ diễn ra nhanh gọn, đơn giản trên cơ sở tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh.

Chính quyền địa phương cũng liên hệ giúp gia đình tới đơn vị hỏa táng. Việc chuyển thi hài được thực hiện bằng xe ô tô chuyên dụng, đi thẳng tới nơi hoả táng. Sau đó, tro cốt người qúa cố được gửi lại tại nơi hỏa táng. Cuối cùng, ô tô chuyên dụng đưa 5 người trong gia đình trở lại vùng cách ly y tế một cách an toàn, bảo đảm đúng yêu cầu phòng chống dịch.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hệ thống các nhà tang lễ cũng điều chỉnh hoạt động phục vụ người dân để đảm bảo giãn cách. Ngày 16/8, trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Trưởng ban phục vụ lễ tang Hà Nội Nguyễn Văn Sáng chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi không tổ chức tang lễ, chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình trong phạm vi 20 người. Chúng tôi chỉ làm khâu khâm liệm rồi gia đình sẽ đưa người thân đi hoả táng. Quy trình hoả táng cũng được tổ chức đơn giản, lễ tiễn biệt được rút gọn chỉ có lời cảm ơn của gia đình, lời chia buồn của đơn vị và 1 phút mặc niệm, mọi người không đi vòng quanh lĩnh cữu mà đưa thẳng vào hoả táng. Trước đây, lễ tiễn biết 15 phút giờ chỉ còn từ 5-7 phút. Tất cả các quy trình đều tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế”.

Có thể thấy, lễ tang trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay được các cấp chính quyền địa phương cùng gia đình tổ chức vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa “trọn nghĩa vẹn tình” nhận được sự đồng tình, cảm động từ gia đình tang quyến cũng như người dân trong vùng cách ly.