Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này với những quan điểm, cách tiếp cận mới, toàn diện đã được trình ra Hội nghị T.Ư 7 thảo luận, thống nhất. Nếu được thông qua và đưa vào triển khai, Đề án sẽ tạo ra một bước đột phá cho chính sách tiền lương - vấn đề quan trọng đặc biệt đối với người lao động.
Mỗi khi được hỏi về lương, nhiều người thường trả lời “cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có sống bằng lương đâu”, dù trong số đó, không ít người đang hưởng mức lương với hệ số kịch trần. Câu nói tưởng như đùa ấy lại phần nào phản ánh một thực tế tiền lương chưa là nguồn thu nhập chính, chưa tạo động lực... cho CBCCVC hiện nay. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, phụ cấp chiếm tới 54,55% trong tổng thu nhập của CBCCVC. Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương cũng tính toán, hiện có tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành, từ phụ cấp chức vụ, chức danh, trách nhiệm, đến phụ cấp nặng nhọc, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực... Có ý kiến đã nhận định: "Theo nguyên lý chung, phần lương chính bao giờ cũng chiếm 70% trong tổng thu nhập, các khoản phụ cấp chỉ một phần nhỏ, tối đa không quá 30%. Nhưng ở nước ta điều này ngược lại, tiền lương là phần chính lại bé hơn phần phụ". Cũng bởi chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay, dẫn đến trường hợp thu nhập của CBCCVC chủ yếu nhờ phụ cấp và các khoản ngoài lương khó kiểm soát được.Khi T.Ư bàn về câu chuyện cải cách tiền lương, hàng loạt bất cập cũng được chỉ ra. Trong đó, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức vụ, chức danh; chưa thể hiện được thứ bậc hành chính - trong thực tiễn mức lương của người lãnh đạo thấp hơn mức lương của cán bộ thuộc quyền có thể tìm thấy ở mọi lúc, mọi nơi. Cũng bởi, tiền lương chưa phải là thu nhập chính của CBCCVC, còn mang tính bình quân, cào bằng, nên chưa tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc. Quá nhiều loại phụ cấp, như có người nói “lương thì thấp mà phụ cấp thì nhiều” đã làm méo mó quan hệ tiền lương. Quy định mức lương bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Nhiều địa phương còn dư nguồn cải cách tiền lương, nhưng không được chi lương cao hơn…Đã đến lúc chúng ta phải cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập. Chỉ có trả lương đúng theo công sức mỗi người bỏ ra mới thực sự là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Với những cách tiếp cận, giải pháp mới, Đề án lần này đưa ra để cải cách toàn diện cả thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp. Trong đó, chú trọng đến tiền lương và tính giá trị tuyệt đối của tiền lương chứ không tính theo ngạch, bậc, thang bảng lương như hiện nay, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người lao động hy vọng, sự thay đổi tổng thể này sẽ đảm bảo tiền lương trở thành thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ.