“Dế Mèn phiêu lưu ký” và những bài học đáng giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ra đời năm 1940, bắt đầu cuộc phiêu lưu năm 1941, đến nay Dế Mèn đã thành Dế cụ “thất thập cổ lai hy”. Nhưng Dế Mèn không già, không mỏi mệt. Bởi những bài học của tác phẩm không chỉ có ý nghĩa trong 70 năm qua mà còn dài nữa về sau.

Mừng thất tuần đại khánh ông Dế Mèn

Sáng ngày 20/11, Hội nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm xuất bản tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài tại trụ sở Hội nhà văn Hà Nội.

Tại buổi kỷ niệm, những tham luận và phát biểu của các chuyên gia, các nhà phê bình văn học đã làm nổi bật giá trị của tác phẩm và những đóng góp to lớn cho nền văn học của nhà văn Tô Hoài. Bên cạnh đó là triển lãm trưng bày 14 minh họa được cắt rút từ các tác phẩm khác nhau do nhiều học sĩ thực hiện và các ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” do NXB Kim Đồng cùng một số nhà sưu tập sách thực hiện.
 
 
“Dế Mèn phiêu lưu ký” và những bài học đáng giá - Ảnh 1
 
Vợ chồng nhà văn Tô Hoài chụp hình lưu niệm tại buổi lễ.

Theo Giám đốc NXB Kim Đồng Phạm Quang Vinh, cho đến nay tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã được tái bản hàng chục lần với hàng triệu bản in. Với sự yêu mến của độc giả, NXB đã chuyển thể tác phẩm thành truyện tranh, truyện có minh họa… Đặc biệt, cuôn sách đã được dịch song ngữ với các tiếng Nga, Anh, Pháp, Nhật, Thụy Điển… tới đây là tiếng Hàn Quốc.

Năm nay, “cha đẻ” của Dế Mèn đã 93 tuổi, ông hồi tưởng quá khứ: “Tôi viết truyện Con dế mèn, rồi Dế mèn phiêu lưu ký không rõ năm 17 hay 18 tuổi. Chỉ nhớ, tôi vừa bước khỏi tuổi thiếu niên, tất cả những trò chơi ở bãi sông đầu làng của tuổi thơ đã vào thẳng tác phẩm của tôi. Khi cầm bút, những nhân vật trong truyện không cần phải nghĩ mãi mới ra mà nó đã nằm giữa những say mê của mình”.

Chẳng những thế, “Dù mới ở tuổi đôi mươi nhưng ngòi bút Tô Hoài đã hết sức linh hoạt, quan sát tinh tế và kỹ lưỡng, ngôn ngữ tự nhiên mà giàu có thiên nhiên thoáng đãng và thơ mộng, nhân vật có dáng riêng, giọng riêng và đều đặc sắc…” – nhà văn Vân Thanh nhận xét. Bởi vậy, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có gái trị.

Những bài học đắt giá

Cảm xúc và ấn tượng đọng lại khá sâu trong tâm tư hầu hết những ai đã từng đọc “Dế Mèn phiêu lưu ký” là tình bạn. Trong lần Dế Mèn dẫn họ nhà Châu Chấu đi tìm chỗ ở thì xảy ra cuộc đánh nhau với bọn châu chấu Voi. Dế Trũi bị bọn châu chấu Voi bắt đi. Dế Mèn đã quyết tâm đi tìm Dế Trũi bởi chúng đã hứa: sinh tử có nhau, không bỏ nhau khi hoạn nạn. Rồi cảnh hai chú dế gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi thật cảm động.

“Dế Mèn phiêu lưu ký” còn nhắc nhở thế hệ trẻ phải ham hiểu biết, trọng lẽ phải, khao khát lý tưởng và quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp. Chỉ có tuổi trẻ mới mạnh mẽ, sôi nổi, ham hiểu biết, ham cái mới, ham phiêu lưu, khám phá. Có như vậy mới có cái nhìn về lớp người cổ hủ như hai ông anh của Dế Mèn. Một người nhút nhát không dám chống trả địch thủ bị đánh tơi bời, luôn ốm yếu, sợ sệt.

Dế Mèn còn ôm hoài bão kêu gọi “muôn loài cùng nhau kết anh em”. Đó là bài học về tình yêu hòa bình, tôn trọng lẫn nhau. Đây cũng là một tư tưởng tiến bộ, tốt đẹp.

Tác phẩm còn dạy cho thiếu nhi biết ăn uống điều độ, rèn luyện sức khỏe một cách khoa học.

Vì những lẽ ấy mà “Mèn vẫn luôn đồng hành cùng những thế hệ đang tới. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn không dừng lại. Tuổi trẻ luôn phiêu lưu với những đam mê, háo hức và cả ngây thơ, dại dột. Dế Mèn được là Dế Mèn trong bảy chục năm qua chính vì đó là tuổi nhỏ và tuổi trẻ, là sức trẻ của mỗi đời người” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội nhận xét.

 
Nhân dịp này, NXB Kim Đồng cũng cho ra mắt hai tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài. Đó là “Nói về cái đầu tôi” gồm các truyện ngắn viết cho thiếu nhi trước cách mạng tháng Tám và tập truyện ngắn “Chú bồ nông ở Sa Mác Can” gồm các truyện ngắn viết sau tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”.

   

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần