Để mỗi nhà đều có Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh nhất trên khắp Thủ đô năm nay sẽ có cặp bánh chưng, mái nhà để vui Tết.

Đem lại niềm vui, hơi ấm đón Xuân cho mọi người, mọi nhà là mục tiêu chung của các cơ quan, đoàn thể cũng như người dân Thủ đô. Đáng mừng là ở Hà Nội, ngày càng có nhiều những nhân tố mới hăng hái góp tay, chung sức vào hoạt động thấm đẫm tính nhân văn này.

Những căn phòng tràn đầy Chữ - Nghĩa

Để ai cũng được ở trong ngôi nhà vui Tết Bính Thân, nhiều trường ĐH ở Hà Nội đã bắt đầu đón tiếp người vô gia cư đến ở. Những căn phòng ký túc xá (KTX) đã được chuẩn bị đầy đủ tiện nghi, giúp những người vô gia cư, không có điều kiện về quê ăn Tết có chỗ nghỉ đón Xuân.

Bắt đầu từ ngày 1/2, (tháng Chạp), cũng là ngày sinh viên chính thức được nghỉ Tết, KTX nhiều trường ĐH như Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Sư phạm Hà Nội, Học viện Tài chính, KTX Pháp Vân, ĐHQG Hà Nội... đã chính thức mở cửa đón người vô gia cư, người nghèo vào ở tại KTX của trường trong dịp Tết Nguyên đán. Những người không may mắn sẽ có được khoảng thời gian khá dài vui đón Xuân tại đây. Bởi đến ngày 21/2, tức 14 tháng Giêng Âm lịch, khi sinh viên trở lại trường học, họ mới phải rời đi.
Một căn phòng của trường ĐH Kinh tế quốc dân chuẩn bị đón những người không có điều kiện về quê ăn Tết vào nghỉ.
Một căn phòng của trường ĐH Kinh tế quốc dân chuẩn bị đón những người không có điều kiện về quê ăn Tết vào nghỉ.
Lãnh đạo trường ĐH Ngoại thương cho biết, dịp Tết cổ truyền năm nay, sẽ có 4 phòng của sinh viên quốc tế dành cho người vô gia cư đến ở. Các căn phòng này được trang bị đầy đủ tiện nghi, có bình nóng lạnh, quạt thông gió, đèn điện, chăn, chiếu.... Mỗi phòng rộng hơn 20m2, có nhà vệ sinh khép kín rộng rãi, chia thành 3 phòng nhỏ là phòng tắm, vệ sinh và phòng thay đồ. Các gian nhà có 8 giường tầng, có thể ở được khoảng 20 người.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đến thời điểm này cũng đã có 10 phòng với đầy đủ giường, nệm ấm, ti vi và cả bàn làm việc sẵn sàng đón người có hoàn cảnh khó khăn, không thể về sum họp gia đình vào ở. Tùy vào số lượng người, trường sẽ tăng cường thêm các phòng khi cần thiết. Những khu KTX trước nay là nơi các sinh viên miệt mài với con chữ, giờ đây lại đầy ắp nghĩa tình, mang niềm vui Xuân đến cho những người bất hạnh. Số người vô gia cư, không có nhà ở đón Tết tại Hà Nội không nhiều. Tuy nhiên, dù ít nhưng cảnh “màn trời chiếu đất” của họ giữa đêm pháo hoa mừng Xuân mới vẫn sẽ khía vào lòng Thủ đô một vết xước bỏng rát. Nhờ sáng kiến của các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội, từ Tết năm nay trở đi, Tết về trên phố phường sẽ không còn những cảnh đời kém vui ấy.
Mọi thủ tục liên quan đến việc đón người vô gia cư đến ở tại các KTX, ban lãnh đạo nhà trường đã thông báo và xin phép UBND cấp phường. Những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần đến trực tiếp và đăng kí với quản lý khu KTX của trường có thể ở lại đây đón Tết. Thời gian này, nhà trường luôn có người túc trực 24/24 giờ và trực các ngày Tết để đón tiếp người vô gia cư và xử lý mọi vấn đề phát sinh.  

Cặp bánh chưng gần 8 triệu người cùng gói

Với mục tiêu “Nhà nhà đều có Tết, không để ai không có Tết”, công tác chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, có công đã được TP Hà Nội triển khai sớm, tích cực tới các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, quận, huyện...

Ông Lê Toàn Khang – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết: Đối với người có công với cách mạng, mức quà Tết từ 300.000 - 500.000 đồng/người. Ngoài phần tiền, UBND TP cũng có chủ trương xây sửa nhà cho hộ nghèo. Để tăng tính hiệu quả, TP cũng vận động các DN thăm, tặng quà tết cho các hộ nghèo. Thực hiện thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng ở trung tâm điều dưỡng, người có công.

Sở LĐTB&XH Hà Nội đề xuất TP trích ngân sách hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán với mức 300.000 đồng/hộ. Số tiền này đủ để có được cặp bánh chưng ngon vui Tết. Có khoảng 34.000 hộ nghèo ở Hà Nội được nhận cặp bánh chưng này. Ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Chính sách lao động, việc làm cho biết: Ngoài việc vận động các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm đóng góp chăm lo Tết người nghèo, dịp Tết này, Sở đã tham mưu cho TP chuẩn bị 10 tỷ đồng chăm lo Tết cho những gia đình thuộc diện chính sách, người nghèo, neo đơn, người có công… Bên cạnh đó, TP hỗ trợ sửa chữa và xây nhà mới cho 70 hộ nghèo tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức với mức hỗ trợ từ 20 - 40 triệu đồng/hộ. Số tiền mà TP Hà Nội dành cho những hoạt động thiết thực này là gần 283 tỷ đồng.

Để những gia đình khó khăn nhất tại Hà Nội đều có được cặp bánh chưng Tết, mọi tầng lớp nhân dân trên địa bànThủ đô đã chung tay, góp sức trong suốt thời gian qua. Cặp bánh chưng ấy là món quà của cả gần 8 triệu người dân Hà Nội, sẽ sưởi ấm cho những người nghèo và làm sáng bừng trên phố phường Thủ đô đạo lý “Thương người như thể thương thân” khi đón Xuân về.