Đề nghị báo chí hạn chế dự báo trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu
Đó là nội dung trong Thông báo 183 ngày 20/9 của Bộ Công Thương liên quan đến kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp trực tuyến về các giải pháp để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước mới đây.

Thông báo nêu, thời gian gần đây có những thông tin phản ánh trên báo chí về việc có hiện tượng gián đoạn nguồn cung cục bộ, doanh nghiệp không có nguồn hàng để duy trì bán lẻ nên phải tạm ngừng kinh doanh. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ không nhận được chiết khấu khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập khẩu hàng…
Bộ Công Thương cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan thể hiện rõ quan điểm không đồng tình với những dư luận, thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn xã hội. Đề nghị Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và thương nhân đầu mối kinh doanh, thương nhân phân phối "cùng chia sẻ quyền lợi một cách chính đáng để có tỷ lệ chiết khấu hợp lý với các đơn vị trong hệ thống phân phối".
Đặc biệt, với các cơ quan thông tin, truyền thông, Bộ Công Thương cho rằng, hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn về nguồn cung được phản ánh trong thời gian qua là hiện tượng cá biệt, không phản ánh đúng tình hình thực tế cung cấp trên thị trường…
Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị trong đưa tin về điều hành giá, báo chí hạn chế đưa tin dự báo giá trước kỳ điều hành để tránh gây hiện tượng đầu cơ găm hàng, gây nhiễu loạn thị trường trước khi có thông tin điều hành chính thức từ cơ quan điều hành là liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khẳng định, thị trường rối như hiện nay do tồn tại quá nhiều bất cập từ điều hành, cũng như các quy định hiện hành do những công chức “đút chân gầm bàn” xây dựng trong Nghị định.
Những kiến nghị thẳng thắn này được đưa ra tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21/9.
Theo Phó Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) Nguyễn Thị Bích Hường, cơ quan quản lý cần tránh việc lấy thành tích khi hạ giá xăng dầu mà không biết diễn biến thị trường ra sao.
“Cơ quan quản lý cần hiểu tình hình của các doanh nghiệp bán lẻ. Hạ giá xăng dầu mà doanh nghiệp không còn nguồn vốn để mua xăng dầu thì làm sao mà đảm bảo được thị trường” - bà Nguyễn Thị Bích Hường nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, cũng nên nói lên tiếng nói của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Đặc biệt, các cơ quan báo chí hãy khách quan trong việc đưa thông tin về hiện tượng xăng dầu bị thiếu nguồn cung, các doanh nghiệp bán lẻ không nhập được hàng, bị cắt chiết khấu.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẵn sàng chứng minh việc có găm hàng như dư luận nói hay không? Việc các cơ quan quản lý đi kiểm tra liên tục nhưng không phát hiện được tình trạng găm hàng ở các cây xăng là minh chứng rõ nhất cho việc thị trường đang diễn biến ra sao, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang bị mang tiếng oan.

Phạt 7 DN vi phạm kinh doanh xăng dầu liệu có ảnh hưởng đến thị trường?
Kinhtedothi - Liên quan đến việc xử phạt 7 DN vi phạm kinh doanh xăng dầu liệu có gây ảnh hưởng đến việc cung cấp mặt hàng này ra thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường vừa lên tiếng.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu than khó
Kinhtedothi - Càng bán, càng lỗ do mức chiết khấu thấp, khan hiếm nguồn cung… là những khó khăn của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong việc duy trì hoạt động thời gian qua.

Kịch bản ứng phó với biến động giá dầu để ổn định kinh tế
Kinhtedothi - Sau những hệ lụy do đại dịch Covid-19, tình trạng biến động giá xăng dầu gần đây tiếp tục tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân, doanh nghiệp... do đó, rất cần những giải pháp và kịch bản ứng phó.