Chiều nay, 5/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP đã tổ chức 5 tổ thảo luận về 4 nhóm nội dung được tập trung thảo luận: Kế hoạch phát triển KT-XH, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của TP; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn TP; giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP; tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất trên địa bàn TP.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn và ĐB HĐND TP thuộc các tổ ĐB quận, huyện Hoàn Kiếm, Hà Đông,Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Hoài Đức tham gia thảo luận tại Tổ 1.
Cần tổ công tác để thúc đẩy việc đấu giá quyền sử dụng đất
Tại đây, các ĐB đánh giá tổng thể phát triển KT-XH 6 tháng qua rất ấn tượng, trong đó mức tăng GRDP đạt cao; kết quả thực hiện tổng thu ngân sách cho thấy tín hiệu lạc quan về kinh tế những tháng cuối năm nay và đầu năm 2023… Các ĐB cũng nhấn mạnh việc TP quan tâm phát triển hạ tầng giao thông đô thị và hạ tầng xã hội; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; TP chuẩn bị chu đáo cho tổ chức SEA Games 31…
Tuy nhiên, các ĐB cũng phân tích về các tồn tại, hạn chế nổi bật: Thực hiện 8 chỉ tiêu KT-XH không đạt cho thấy tình hình phát triển KT-XH của TP vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là thách thức không nhỏ trong thực hiện mục tiêu năm 2022, cần làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp thời gian tới. Song song đó, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất 6 tháng đạt thấp, nhiều quận huyện chưa tổ chức được, trong khi nhiều đơn vị đặt kỳ vọng số thu lớn; sản xuất nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước. Các chủ đầu tư trong các CCN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn; thực hiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn nhất là nông nghiệp công nghệ cao chưa có nhiều chuyển biến là tồn tại nhiều năm, cần có giải pháp hiệu quả tháo gỡ…
Đáng chú ý, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua Hà Đông có chiều dài 5,7km, quận đang tập trung cho công tác chuẩn bị GPMB để đúng tiến độ. Về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ĐB góp ý: Về kết quả thực tế đấu giá QSD đất của Hà Nội 6 tháng chưa đạt mục tiêu, TP đã đề ra biện pháp tháo gỡ cơ bản, các quận huyện rất quyết tâm, nhưng với những dự án lớn hơn 30 tỷ đồng thuộc thẩm quyền phê duyệt giá sàn của TP, đề nghị TP có chỉ đạo quyết liệt, quan trọng nhất là chốt ngày nào tất cả quận huyện có được giá sàn. Kết quả trúng đấu giá phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thời điểm mở phiên, để đảm bảo minh bạch khách quan, việc duyệt giá sàn để đảm bảo tính khả thi thu được nhiều về cho ngân sách cần được chú trọng. Liên quan giải ngân vốn đầu tư công, ĐB đề nghị có tổ công tác đủ mạnh, phát huy hiệu quả hơn trong thực hiện công tác này của TP, cũng như có giải pháp đủ mạnh để áp chế tài trong thực hiện giải ngân.
Cùng liên quan công tác đấu giá QSD đất, Chánh Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP Nguyễn Ngọc Việt cho rằng, chậm đấu giá QSD đất sẽ gây ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quận, huyện, nên cần tìm ra những nguyên nhân, giải pháp căn cơ, bởi Sở TN&MT đã tham mưu ủy quyền cho các quận huyện, nhưng với bộ máy hiện nay, các địa phương thực hiện có thể tiếp tục chậm…
ĐB cũng cho rằng, trong điều kiện ngân sách khó khăn, TP đã quyết định đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng theo các giai đoạn cho các lĩnh vực y tế, giáo dục…, nhưng với phân cấp ủy quyền cho các quận huyện thực hiện cần có đánh giá, khảo sát, rà soát kỹ, làm sao quá trình thực hiện thực tế được thuận lợi.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho rằng, chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng chưa đạt tỷ lệ theo kế hoạch bởi một lý do khách quan là sau dịch bệnh Covid-19, thói quen đi lại của người dân thay đổi nhiều, nên TP cần xem lại các chỉ tiêu trong năm 2022. ĐB cũng đề nghị TP thực hiện phân cấp Nhà nước nên có từng bước thí điểm và nhân rộng, vì có những lĩnh vực phân cấp mạnh sẽ phát huy tác dụng nhưng có lĩnh vực phân cấp mạnh lại gây tác dụng ngược.
Theo ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín), TP vẫn đứng trước thực trạng úng ngập nặng, đề xuất TP có nghiên cứu kỹ về hệ thống thoát nước, nơi nào cần thiết mà hiện không đáp ứng yêu cầu thì cần đầu tư dài hơi để khắc phục úng ngập.
Qua giám sát mới đây của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP về thực hiện quy định pháp luật BHXH cho thấy, ĐB cho rằng, TP cần có chế tài đủ tính răn đe để việc nợ đọng BHXH không có xu hướng trở thành “phong trào”; đồng thời cần đầu tư thỏa đáng sâu rộng hơn cho công tác tuyên truyền để người dân thấy được tính nhân văn của BHXH…
Đề cập công tác phòng chống dịch, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh cho rằng, trước diễn biến phức tạp của biến chủng mới trong dịch Covid-19, TP cần bổ sung trong các giải pháp ứng phó cho 6 tháng cuối năm, dự đoán những ảnh hưởng đến phát triển KT-XH. Trong thực hiện đầu tư công, để đạt được kết quả từ nay đến cuối năm, các quận huyện đang rất quyết tâm, những dự án chậm tiến độ không có khả năng tiếp tục thì cần thay thế bằng những dự án khả thi hơn. Lượng khách du lịch quốc tế và trong nước 6 tháng qua tăng cao, cần có kịch bản tốt cho 6 tháng cuối năm trong bối cảnh biến chủng mới có thể xuất hiện...
Tổ chức triển khai thực hiện bài bản, quyết tâm cao nhất
Phát biểu tại tổ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, liên quan thực hiện kế hoạch đầu tư công, tới đây bổ sung cho dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô cần nguồn lực rất lớn, một loạt dự án lớn hiện nay đòi hỏi các cơ chế chính sách để đảm bảo triển khai…, nên vừa làm vừa phải cân đối để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, giải ngân thấp chủ yếu do dịch bệnh, giá vật tư nguyên liệu đầu vào… nhưng rõ ràng công tác tham mưu chỉ đạo điều hành trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các đơn vị cần xem lại. Đơn vị nào thực hiện vốn ngân sách của TP chậm thì cần xem xét năm sau không giao cho đơn vị đó nữa.
"Tới đây cần tính toán toàn bộ các vấn đề liên quan phê duyệt kế hoạch đấu thầu, dự án nào không hoàn thành theo tiến độ thì phải xem xét lại trách nhiệm, đơn vị nào không thực hiện thanh toán theo mốc thời gian yêu cầu thì cũng cần xem lại trách nhiệm chủ đầu tư… TP sẽ chấn chỉnh để làm sao thông suốt trong cả hệ thống, giải quyết những tồn tại trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công" - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, các ý kiến thảo luận tại Tổ rất thẳng thắn, trách nhiệm, là cơ sở rất quan trọng để TP nghiên cứu ban hành các quyết sách cho phát triển KT-XH.
Về những vấn đề ĐB đặt ra cho TP cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm, Chủ tịch HĐND TP lưu ý trong bối cảnh biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rất nhanh trên thế giới, cần xây dựng phương án nếu xảy ra bùng phát trở lại tại TP, có kế hoạch liên quan trang thiết bị, lực lượng y tế, hỗ trợ đời sống.
Liên quan vấn đề giải ngân đầu tư công còn thấp được nhiều ĐB đề cập, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, TP đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, 7 quận huyện có dự án đi qua cần tập trung thực hiện. Các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác cũng cần được chuẩn bị tốt nhất cho công tác đầu tư; các tổ công tác của TP hằng tháng cần có giao ban để tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc… Kỳ họp chuyên đề tháng 9 sẽ xem lại quá trình thực hiện các dự án này để kịp thời có những điều chỉnh cần thiết.
Ngoài ra, liên quan các dự án vốn ngoài ngân sách, để thu hút đầu tư, cần rà soát lại để thúc đẩy lên thì mới góp phần phát triển kinh tế; rà soát tạo điều kiện tháo gỡ cho những dự án chậm triển khai, với những dự án mà năng lực chủ đầu tư quá kém thì kiên quyết thu hồi.
“Các giải pháp, nhiệm vụ đã được xác định thì cần tổ chức triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học, quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu đặt ra” - Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.