Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

Đề nghị giữ nguyên tên gọi của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, ngày 26/3 các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân (TAND), liên quan đến tổ chức và hoạt động của một số cơ quan (như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự) và liên quan tới nhiều luật khác (như luật tổ chức của một số cơ quan và các luật tố tụng).

Tại hội nghị, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã xin ý kiến của các đại biểu tại về 10 vấn đề lớn được quy định tại Dự thảo Luật, trong đó về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị: bên cạnh việc quy định Tòa án yêu cầu, hướng dẫn, hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; cần quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp - Ảnh: Quochoi.vn

Đối với việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Về bậc Thẩm phán, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành đề xuất giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bậc Thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện từng bậc. Tuy nhiên, không nên quy định “xét nâng bậc Thẩm phán…” trong dự thảo Luật. Việc thi nâng bậc hoặc xét nâng bậc Thẩm phán sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định sau khi Luật này được Quốc hội thông qua...

Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành về 3 ngạch Thẩm tra viên Tòa án và 3 ngạch Thư ký Tòa án. Việc ưu tiên về lương, phụ cấp đối với các chức danh tư pháp của Tòa án sẽ được xem xét trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương...

Về nhiệm kỳ Thẩm phán (Điều 100), Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành dự thảo Luật quy định Thẩm phán TAND tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu; Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu.

Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 
Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 

Phát biểu tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27); khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn.

Về đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử quy định tại khoản 1 Điều 4, dự thảo Luật đã xây dựng theo 2 phương án: điểm c, khoản 1, Điều 4 quy định Phương án 1: TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành); Phương án 2: TAND phúc thẩm;

Điểm d, khoản 1, Điều 4 quy định Phương án 1: TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành). Phương án 2: TAND sơ thẩm;

Góp ý nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 giữ nguyên tên gọi của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện như hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn tỉnh Tây Ninh) cho rằng, hiện nay mô hình tòa án đang tổ chức theo mô hình 4 cấp theo đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức theo cấp xét xử. Việc đổi tên gọi chỉ là vấn đề hình thức mà không thay đổi về nội dung và phương thức. Trong khi đó, việc đổi tên cũng dẫn tới không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương như cơ quan điều tra, viện kiểm sát… dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan; phát sinh chi phí tuân thủ như con dấu, các biển hiệu…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng, hiện nay mặc dù tên gọi của TAND cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương. Để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan thì quy định như phương án 2 là không cần thiết, việc đổi mới không tạo những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử.

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh thống nhất với việc giữ nguyên quy định hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, bảo đảm thống nhất tên gọi với các cơ quan tư pháp ở địa phương, phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ khi thời cơ đủ chín, nên thành lập TAND sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm như phương án 2 của dự thảo. Đó là việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử thành TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm).