Đề nghị làm rõ cơ chế tài chính ngân sách đặc thù cho Hà Nội

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/12, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 5, UBTV Quốc hội đã thảo luận và thống nhất về mặt nguyên tắc ra Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Điều chỉnh nhưng phải đúng Hiến pháp, pháp luật
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng. Đến tháng 11/2016, các bộ, ngành, địa phương mới giải ngân đạt 74,9% kế hoạch. Nhiều nơi không có khả năng giải ngân. Chính phủ dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 5.854,91 tỷ đồng. Đồng thời đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 14.235,46 tỷ đồng. Trong đó, cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam 1.782,509 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội 2.700 tỷ đồng. Phân bổ, điều chỉnh 7.154,91 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các bộ, ngành, địa phương đến ngày 30/11/2016 đã giải ngân từ 80% kế hoạch vốn nước ngoài trở lên theo thứ tự ưu tiên: Các dự án kết thúc Hiệp định năm 2016 cam kết đến ngày 31/1/2017 giải ngân hết số vốn nước ngoài kế hoạch năm 2016… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận định, có 10 bộ, ngành T.Ư và 26 địa phương đến hết ngày 30/11/2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch.
  Hà Nội cần cơ chế, chính sách tài chính đặc thù để phát triển bền vững
Một số bộ, ngành, địa phương được phân giao vốn song lại không có nhu cầu sử dụng... Qua theo dõi nhận thấy, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài trong các năm qua còn nổi lên nhiều bất cập, bố trí vốn chưa sát với tình hình thực hiện, công tác điều hành, tổng hợp số liệu, đề xuất cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn còn chậm, chưa chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần lưu ý ý kiến của Bộ Tài chính để xử lý việc cấp vốn cho hai ngân hàng đúng luật. Chủ tịch Quốc hội nhận định: Chỉ còn 9 ngày nữa hết năm 2016 mà giờ Chính phủ mới trình ra UBTV Quốc hội là chậm, cho nên Chính phủ cần nghiêm túc kiểm điểm chấp hành, nhất là các bộ, ngành. Tình trạng này diễn ra qua các năm mà chưa khắc phục được, nhất là sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập, phân bổ vốn chưa sát tình hình, do đó Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân. “Việc điều chỉnh là cần thiết nhưng phải đúng Hiến pháp, pháp luật. Cái nào cắt giảm điều chỉnh bổ sung cần lưu ý không được trái với hiệp định vay vốn nước ngoài mà nước ta đã ký, thực hiện theo đúng Luật ngân sách Nhà nước, và phù hợp với dự toán ngân sách Nhà nước mà Quốc hội đã thông qua” - Chủ tịch UBTV Quốc hội nói.
Cần làm rõ cơ chế đột phá mạnh mẽ hơn cho Hà Nội
Cuối phiên thảo luận, UBTV Quốc hội đã đồng ý về mặt nguyên tắc ra Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điểm lại kết quả phiên họp. Trong đó, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: UBTV Quốc hội cho rằng các quy định về cơ chế tài chính, ngân sách trong Dự thảo Nghị định chưa thể hiện rõ cơ chế đặc thù. Đề nghị Chính phủ theo thẩm quyền cần xác định rõ phạm vi, nội dung, cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội. Do đó khi ban hành nghị định nêu trên Chính phủ cần bám sát Điều 74 của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 21 của Luật Thủ đô để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng thẩm quyền, tạo động lực phát triển cho Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của quy định hiện hành.
Đề nghị Thường trực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của UBTV Quốc hội về nội dung này để Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần