Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an nhân dân

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại phiên làm việc sáng 27/5 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Quang cảnh phiên họp sáng 27/5
Quang cảnh phiên họp sáng 27/5

Đề nghị bổ sung 6 vị trí cấp hàm tướng

Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an quy định tại Luật CAND năm 2018 bảo đảm tương quan với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động tại Bộ luật Lao động năm 2012.

Đến nay, Bộ luật Lao động năm 2012 đã được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2019. Trong khi đó, Bộ luật Lao động được coi là “Luật gốc” về tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung. Vì vậy, trên cơ sở quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng CAND, cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Bên cạnh đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan CAND ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật CAND, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan CAND là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội … Tuy nhiên, Luật CAND năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp...

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật CAND năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập. Đồng thời, quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân còn một số vướng mắc.

Từ những bất cập, vướng mắc đó, việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định là cần thiết, phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.

Trong đó, Dự Luật cũng đề xuất bổ sung 6 vị trí có hàm cao nhất là cấp tướng để đảm bảo yêu cầu thực tiễn và tổ chức hoạt động của Bộ Công an.

Đó là hàm Thượng tướng cho sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng gồm Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; hai vị trí Phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Luật Công an nhân dân hiện chỉ quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng gồm một Đại tướng, 6 Thượng tướng, 35 Trung tướng và 157 Thiếu tướng. Các vị trí khác chưa được quy định hoặc mới quy định trên cơ sở nguyên tắc nên thực tiễn thi hành Luật gặp khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, tổ chức bộ máy các cấp công an đã được đổi mới, ở Bộ không còn tổ chức đơn vị cấp tổng cục, chỉ tổ chức đơn vị cấp cục và tương đương. Trong đó, hầu hết thủ trưởng đơn vị cấp cục và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng nhưng vẫn còn thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng.

"Việc này tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh"- Bộ trưởng Công an cho hay.

Sửa Luật nhằm đồng bộ quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND với những lý do như đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng của dự thảo Luật, bởi nội dung này cơ bản được kế thừa từ quy định hiện hành, bảo đảm thống nhất quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất; góp phần tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của sĩ quan được thăng cấp bậc hàm, bảo đảm về thời gian lãnh đạo, chỉ huy tiếp theo của cấp bậc hàm được thăng.

Về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trì với quy định của dự thảo Luật về bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí bổ sung sáu vị trí cấp tướng như trong Tờ trình và Dự Luật. Nguyên nhân là việc bổ sung không làm vượt quá số lượng vị trí cấp tướng trong công an nhân dân do Bộ Chính trị quy định; phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an. Đồng thời nhất trí với quy định sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng là phù hợp với tinh thần Kết luận số 35-KL/TW, ngày 5/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương...

Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 3 tuổi, nữ Đại tá lên 5 tuổi là mức tăng đáng kể, trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 2 tuổi để phù hợp với môi trường công tác đặc thù của lực lượng CAND.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và thảo luận hội trường vào ngày 2/6; biểu quyết thông qua ngày 22/6.