Theo ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Hà Nội, để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách, đảm bảo việc thực thi được các quy hoạch, kiến trúc và kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được phê duyệt.
Đồng thời, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để thực hiện việc quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sau đầu tư nói chung và hệ thống cây xanh nói riêng; Giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường, công an, các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Cùng với đó, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Hà Nội đề nghị các đơn vị chức năng xây dựng và thực thi các chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân không thực hiện theo quy định quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
“Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cây xanh đô thị. Ngoài việc bồi thường để trồng lại cây mới thay thế cây chết do bị phá hoại, cây bị chặt trộm đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi xâm hại nghiêm trọng và thường xuyên đến cây xanh” - Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Đức Hưng nhấn mạnh.
Được biết, theo quy định hiện hành hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển cây xanh khi chưa được cấp phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, đây là mức phạt tiền áp dụng với tổ chức. Trường hợp chủ thể vi phạm là cá nhân, mức phạt bằng 1/2 mức phạt nêu trên.
Trước đó, theo thống kê của Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Hà Nội trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã Sơn Tây, khối lượng quản lý theo phân cấp của đơn vị là 2,4 triệu m2 thảm cỏ, cây mảng, hàng rào, hoa lưu niên, cây cảnh; 1.500m2 hoa thời vụ; khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây Keo, Tràm, Bạch đàn trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây. Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ UBND cấp huyện quản lý khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại.
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây) gồm các loài chủ yếu như: Bàng, Bằng lăng, Chẹo, Đa, Lan, Lát hoa, Lim xẹt (Muồng thẫm), Long não, Muồng đen, Hoa sữa, Sao đen, Sấu, Sưa, Xà cừ, Phượng vĩ.