* Bác đơn xin lại căn biệt thự 43 tỷ đồng cho mẹ của Huyền Như Theo VKS, sau phiên tòa sơ thẩm, cơ quan tố tụng đã nhận được 60 kháng cáo, 1 kháng nghị liên quan vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Đại diện VKS viện dẫn, bị cáo Huyền Như được cấp tài khoản vào hệ thống Ngân hàng VietinBank để thực hiện, quản lý tài khoản của khách theo phân cấp của Ngân hàng VietinBank. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của VietinBank mà không phát hiện hành vi làm lệnh chi giả. Do đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như tham ô tài sản. Đại diện VKS bác đơn yêu cầu xin lại căn biệt thự 43 tỷ đồng cho mẹ của Huyền Như, vì theo họ, không có cơ sở để xem xét. Đại diện VKS cho rằng, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại VietinBank để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi khách hàng đã gửi tiền vào ngân hàng VietinBank, dù trước đó bị cáo Huyền Như đã dẫn dụ họ gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng. Cụ thể, 5 trường hợp của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên và Công ty SBBS đã bị Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đại diện VKS chỉ ra các công ty này có mở tài khoản gửi tiền vào VietinBank là thật và hợp lệ. Do đó, mối quan hệ gửi - giữ tài sản giữa VietinBank và khách được xác lập. Ngân hàng VietinBank là nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu Huyền Như bồi thường số tiền mà Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt của khách. Do đó, trách nhiệm bồi thường cho 5 công ty trên thuộc về Ngân hàng VietinBank. Đại diện VKS bác kháng cáo của Ngân hàng ACB và Navibank bởi hai ngân hàng này có lỗi trong việc ủy thác hợp đồng, cho nhân viên vay tiền đi gửi ngân hàng khác để lấy lãi là vi phạm pháp luật. Hai ngân hàng này phải tự chịu trách nhiệm, VietinBank không phải bồi thường.