Không gian đi bộ Hoàn Kiếm là điểm văn hóa
Tại buổi tiếp xúc đã có 8 lượt ý kiến cử tri phát biểu phản ánh, kiến nghị liên quan tới đời sống dân sinh gửi tới đoàn đại biểu HĐND TP. Một trong những vấn đề được cử tri Hoàn Kiếm quan tâm đó là tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được TP triển khai gần đây. Các ý kiến đều khẳng định, việc TP triển khai không gian đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cử tri Đặng Văn Hường (phường Hàng Mã) cho rằng, việc triển khai phố đi bộ vào thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật như hiện nay chỉ hợp lý vào mùa đông, còn mùa hè khi thời tiết nắng nóng gay gắt thì rất ít khách du lịch và người đi bộ. Cử tri Hường đề nghị TP xem xét, nghiên cứu lại khung giờ tổ chức phố đi bộ cho phù hợp.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm |
Cử tri Nguyễn Văn Hòa (phường Hàng Bồ) đề nghị UBND TP cần đánh giá khách quan, nghiêm túc về hiệu quả, những mặt được, chưa được của không gian tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Theo ông Hòa, việc một số tổ chức, cá nhân có hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, hàng lưu niệm... còn đơn giản, các hoạt động mang tính quảng bá đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội chưa có điểm nhấn, tác động tích cực thu hút khách du lịch. Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và cả du khách chưa cao. “TP hiện đã bố trí nhiều thùng đựng rác, nhưng qua theo dõi, còn nhiều trường hợp không bỏ rác vào thùng, không đổ rác đúng giờ quy đinh. Đề nghị TP cho phạt tại chỗ, sau nộp kho bạc từ 50 đến 100 nghìn đồng mỗi trường hợp vi phạm”, ông Hòa nói.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch UBND TP cho biết TP chủ trương, biến nơi đây thành điểm không gian văn hóa, không chỉ phục vụ Nhân dân Thủ đô mà cả nước, quyết không phải là nơi kinh doanh thương mại. Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước, kinh phí do các DN, tổ chức tài trợ như Hãng hàng không Vietnam Airline hỗ trợ đoàn biểu diễn nghệ thuật đến từ Vương quốc Anh; Lễ hội hoa Anh Đào (Nhật Bản); Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội năm 2017…; biểu diễn văn hóa truyền thống của tỉnh Hà Giang, tỉnh Quảng Bình và gần đây là lễ hội ẩm thực các nước ASEAN… được Đại sứ quan các nước và các địa phương rất hoan nghênh. Tới đây (tháng 9), TP sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm một năm hoạt động khu vực hồ Hoàn Kiếm để tìm giải pháp quản lý khai thác khu vực này hiệu quả hơn, Chủ tịch UBND TP khẳng định.Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao đổi với các cử tri quận Hoàn Kiếm |
Đồng tình các ý kiến về cần đẩy mạnh bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND TP cho biết, đến nay TP đã đặt 4.000 thùng đựng rác trên địa bàn; đưa 120 xe cơ giới gom rác và hút bụi, mỗi ngày đạt 180 m3 khối bụi, không khí đã tốt lên. Ngoài ra, TP sẽ lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí; tới đây tiếp tục xử lý nước hồ Trúc Bạch, hồ Tây và trên hồ Tây xây dựng một cột phun nước để tạo cảnh quan, cho phép một tàu thủy hoạt động phục vụ du khách đạt tiêu chẩn châu Âu. Đồng thời, TP có giải pháp cấm xả thải nước sinh hoạt, nước ô nhiễm xuống các hồ này, Chủ tịch UBND TP khẳng định và nhất trí, với đề xuất của cử tri nêu, cần có giáo dục gắn với biện pháp mạnh như xử phạt các trường hợp đổ rác không đúng giờ, đổ rác không đúng nơi quy định. Đồng thời, mong muốn, các cán bộ cơ sở dân cư, đoàn thể tăng cường giám sát và vận đông Nhân dân khu vực mình ở chung tay thực hiện.
Hạ một cây xanh cũng phải cân nhắc
Liên quan đến cây xanh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau hơn một năm triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh, đến nay TP đã trồng mới gần 350.000 cây các loại, trong đó, nhiều DN trong và ngoài nước, các tỉnh Sơn La, Điên Biên Phủ… đã ủng hộ hàng vạn cây. Đối với việc di dời 1.300 cây Sà cừ đề thực hiện dự án (DA) đường vành đai 3 (đường Phạm Văn Đồng), Chủ tịch UBND TP cho biết, DA có quy hoạch triển khai từ nhiều năm trước, các cây sà xừ trồng ở giai đoạn 1991-1994; hiện Nhân dân ở khu vực này rất ủng hộ DA, ước có hơn 800 trường hợp GPMB, đều cơ bản đồng thuận, và mong DA sớm triển khai. “Tuy nhiên, hiện TP cũng đang trăn trở và cân nhắc cho khảo sát rất kỹ, rà soát để những cây nào phát triển tốt thì gắng đánh chuyển, cây cong queo không có có giá trị kinh tế và mỹ thuật thì chặt hạ… Theo tính toán, với số tiền phải chi để đánh chuyển cây mới với đường kính 25-30cm, có giá động từ 3-3,5 triệu đồng/1 cây thì với số tiền này đủ trồng mới 15.000 – 18.000 cây. Chủ tịch UBND TP cho biết thêm, ngoài ra DA này huy động có cả vốn ODA, dự kiến tháng 7/2017 khởi công. “Vì các lý do mà DA chậm tiến độ triển khai, sẽ bị thiệt hại 600- 700 tỷ đồng, Chủ tịch UBND TP thông tin và mong muốn, các cử tri cũng như các nhà khoa học, chuyên gia cùng TP chung sức, đồng thuận triển khai các nhiệm vụ phát triển Kinh tế - xã hội nói chung và DA nay nói riêng. “Quan điểm của TP, là bất cứ đón hạ một cây xanh nào đó cũng phải nghiên cứu, cần nhắc, phân tích, lấy lợi ích cao nhất của Nhân dân, của TP và hiệu quả kinh tế nhất trước khi quyết định nhằm thúc đẩy TP phát triển, đích hướng tới là đem lại môi trường cuộc sống tốt nhất cho người dân”, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.