Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội

Để nguồn nước được tuần hoàn

Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối 2021, Hà Nội lập báo cáo rà soát công tác quy hoạch xây dựng sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QHC1259).

Bản báo cáo đã nhận định những hạn chế và chỉ ra định hướng đổi mới trong công tác quy hoạch, trong đó có nội dung thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội. Để những định hướng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, bền vững cần tiếp cận thoát nước và nước thải đô thị dưới góc nhìn của kinh tế tuần hoàn.

Sông Tô Lịch - một trong những hệ thống thoát nước chính của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sông Tô Lịch - một trong những hệ thống thoát nước chính của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Gần 30 năm để nước chảy một chiều

Tháng 10/2021 TP Hà Nội công bố Báo cáo rà soát đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Báo cáo rà soát đánh giá quy hoạch). Trong đó, về nội dung quy hoạch và thực hiện các dự án thoát nước – xử lý nước thải Hà Nội, mới đầu tư xây dựng cho vùng thoát nước gần 80km2 (chiếm 0,24% tổng diện tích tự nhiên Hà Nội).

TP đã đầu tư 12/39 trạm bơm thoát nước (đạt 18% tổng công suất khu vực đô thị trung tâm), các khu vực còn lại chưa đầu tư nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn, chưa đảm bảo được công tác thoát nước. Về quy hoạch và đầu tư thu gom xử lý nước thải Hà Nội bằng cách dẫn nước thải bằng các đường ống đổ về các nhà máy, trạm xử lý nước thải, triển khai tuân thủ định hướng QHC1259, TP đã xây dựng được 6/24 nhà máy, tổng công suất 276.300m³/ngày đêm (đạt 28,8% cho khu vực Hà Nội cũ).

Sau gần 30 năm (1994 - 2022) Hà Nội đầu tư gần 1 tỷ USD cho hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trong đó đầu tư cho thoát nước hơn 500 triệu USD và 6 nhà máy xử lý nước thải gần 400 triệu USD. Đáng chú ý, 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả vẫn là những dấu hỏi.

Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng khi trời mưa to. Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây Hà Nội là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.

Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận. Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án này vẫn đang triển khai chậm trễ, việc thoát nước ở khu vực các quận nêu trên vẫn là tự chảy.

Giờ đây, các nhà máy xử lý nước thải chạy cỡ nào thì toàn bộ sông hồ Hà Nội vẫn ô nhiễm, cá chết thường xuyên ngay cả khi dùng các liệu pháp như rắc bột Redoxy - 3C, thả bè thủy sinh, thả thiên nga, bơm sục khí hay thử “phép màu” công nghệ Nano-Bioreactor…

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị công bố Nghị quyết 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đã chỉ ra những hạn chế chung về công tác quy hoạch “...chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện… Trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu”. Nhận định này đã đúng khi soi chiếu với quy hoạch Hà Nội, nhất là trong lĩnh vực thoát nước và xử lý thước thải.

Báo cáo rà soát đánh giá quy hoạch cũng nhận ra những hạn chế cốt lõi của mô hình thoát nước tập trung hiện tại và đã đưa ra một số lưu ý trong quá trình triển khai điều chỉnh tổng thể QHC1259 tới đây. Đó là: “Xem xét tới các giải pháp xử lý phân tán theo cụm đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường. Việc quy hoạch xây dựng các công trình đầu mối xử lý nước thải tập trung cần được xem xét kỹ lưỡng do chi phí đầu tư cao trong bối cảnh chưa có hệ thống mạng lưới thu gom tách riêng nước mưa và nước thải”.

Quy hoạch tích hợp đa ngành: Tài nguyên nước được khai thác tuần hoàn, lưu giữ đủ nước sạch cho nhiều mục tiêu sản xuất, sinh hoạt, giao thông, cảnh quan đô thị, du lịch thương mại và nông nghiệp sinh thái bền vững. (Nguồn ảnh: Hanoidata & City Solution)  
Quy hoạch tích hợp đa ngành: Tài nguyên nước được khai thác tuần hoàn, lưu giữ đủ nước sạch cho nhiều mục tiêu sản xuất, sinh hoạt, giao thông, cảnh quan đô thị, du lịch thương mại và nông nghiệp sinh thái bền vững. (Nguồn ảnh: Hanoidata & City Solution)  

Giải pháp để biến nước thải thành nguồn lực

Báo cáo rà soát đánh giá quy hoạch bày ra bức tranh toàn cảnh quy hoạch và thực hiện các dự án theo quy hoạch thoát nước đã và tiếp tục triển khai bị phân rã ra nhiều lĩnh vực, khu trú riêng từng chuyên ngành với các tiêu chuẩn đo lường khác nhau, mục tiêu hướng về nhiều phía. Do vậy khi tổng hợp chuỗi giá trị lại thì triệt tiêu nhau dẫn đến nguồn lực suy kiệt, các mục tiêu ngày càng xa vời.

Hà Nội cần thay đổi cách tiếp cận, không nên coi nước mưa ngập là thứ đổ đi mà cần cất giữ. Nước thải không phải là thứ nguy hại, xử lý tốn kém mà cần gạn lọc dưỡng chất tái sử dụng. Nếu được tiếp cận theo hướng này thì tổng thể tuần hoàn nước sẽ đem lại hiệu quả, nhất là thu hồi được nguồn vốn đầu tư (3,5 tỷ USD, trong đó 1 tỷ đã đầu tư và 2,5 tỷ USD dự định đầu tư giai đoạn 2021 - 2025).

Mục tiêu tổng thể cho 5 - 10 năm tới là tích hợp, đồng bộ các nguồn lực để từng bước nâng cao tỷ trọng, hướng tới 100% nước sạch chảy trên tất cả sông hồ Hà Nội, sẽ cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất cho hơn 10 triệu người trên diện tích 3.359km2. Lấy sông Hồng là không gian chủ đạo giữ nước sạch an toàn. Cùng với đó, tiến hành thu phí từ tất cả các nguồn thải đổ vào sông để tái đầu tư sản xuất nước sạch. Tạo ra nguyên tắc cứng kiểm soát từ đầu mối sẽ có giải pháp phân rã thu phí đến từng đơn vị xả thải, từng hộ gia đình.

Tất cả các sông hồ lộ thiên khi có nước sạch nhờ chu trình tuần hoàn sinh học sẽ đóng vai trò cung cấp nước, giao thông thủy, cảnh quan du lịch thương mại… Từ đó sẽ dẫn đến muôn vàn sáng kiến để khai thác nước mang lại giá trị kinh tế. Nước sẽ đảm nhận nhiệm vụ giao thông thủy an toàn, cấp nước đủ cho nông nghiệp sinh thái phát triển, mang lại nguồn lợi cho cuộc sống an sinh…

Hà Nội năm 2022 đứng trước thách thức lớn lao vượt qua dịch bệnh, phục hồi kinh tế, cùng đó xem xét điều chỉnh những hạn chế trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong nhiều năm trước. Để làm được việc đó cần một quyết tâm chính trị rất lớn từ chính quyền TP đến các tổ chức cá nhân liên quan. Những hạn chế đã được nhìn nhận cần có giải pháp điều chỉnh một cách đồng bộ thay vì sửa chữa chắp vá luôn lạc hậu so với thực tế phát triển đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần