Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để nhà báo không chỉ “đánh trận trên giấy”

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”. Ảnh: Nghiêm Mai
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”. Ảnh: Nghiêm Mai

Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam hướng tới mục đích xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của báo chí

Tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” vừa tổ chức ở Hà Nội, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhận định, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông vừa để phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của nền báo chí - truyền thông nước nhà..

Chuyển đổi số báo chí là sự tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của một cơ quan báo chí. Báo chí sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình từ quản lý đến tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh..., tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới.

Bày tỏ quan điểm về báo chí trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, với tư cách là một ngành năng động, bám sát sự phát triển của thời cuộc, báo chí - truyền thông đang chuyển đổi mình, tích hợp công nghệ số, thay đổi toàn diện từ nội dung đến cách thức thực hiện nhằm góp phần thay đổi thói quen và đáp ứng nhu cầu của công chúng mục tiêu.

Về phía sản xuất, những người làm báo chí - truyền thông ngày càng tích hợp nhiều kỹ năng mới để có thể tương tác tích cực với công chúng trong quá trình đồng sáng tạo, đồng sản xuất. Về mặt tiếp nhận, công chúng trong thời kỳ truyền thông kỹ thuật số tiêu thụ nội dung trực tuyến bằng nhiều thiết bị khác nhau, đòi hỏi nhà sản xuất phải cân nhắc tới các định dạng, kỹ thuật tương ứng.

Từ thực tiễn sinh động trên thế giới, cơ quan báo chí - truyền thông nào hiểu đúng bản chất thời cuộc, sớm có những định hướng bài bản và giữ được bản sắc của mình trong quá trình chuyển đổi số thì sẽ có cơ hội đi trước đón đầu, tăng sự phủ sóng trong thị trường, chiếm được lượng công chúng của mình trong tương lai.

Còn PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, trong môi trường truyền thông số, sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống luôn phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do sự tác động của các phương tiện truyền thông mới. Điều đó cũng thể hiện rõ bởi, các phương tiện truyền thông truyền thống (phát thanh, truyền hình, báo in) và các phương tiện truyền thông mới đang có xu thế hội tụ với nhau. Xét từ giác độ kỹ thuật, sự tương tác, hội tụ giữa báo in và mạng internet đã “sản sinh” ra báo mạng điện tử; sự hội tụ giữa truyền hình và mạng internet sản sinh ra truyền hình giao thức (IPTV); sự hội tụ giữa phát thanh và mạng internet tạo ra phát thanh trên internet (Podcasting).

Sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật đã cung cấp cho ngành báo chí truyền thông các công cụ và phương thức truyền thông tiên tiến vượt trội. So với các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới được truyền phát thông qua mạng internet, cung cấp một không gian rộng rãi hơn cho cuộc “cách mạng” của báo chí truyền thông hiện đại.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, chức năng hội tụ của các phương tiện truyền thông trên mạng internet không ngừng được nâng cao; phương pháp, hình thức tiếp nhận, truyền phát thông tin ngày càng đa dạng và phong phú. Cùng với sự thay đổi về hình thức và phương thức truyền thông mới, cách thức hợp nhất và tái tạo nội dung truyền thông ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Do vậy, làm thế nào để định vị chính xác về nội dung, lựa chọn thích hợp các phương tiện truyền thông trong truyền tải thông tin, kiểm soát và quản lý một cách hiệu quả quy trình truyền thông đã trở thành bài toán khó, các phương tiện thuyền thông mới đang đi tìm lời giải.

Nhân lực - yếu tố quyết định chuyển đổi số báo chí

Trong xu hướng hội tụ của các tòa soạn trên thế giới, nhà báo phải tiếp cận với các kỹ năng báo chí - truyền thông mới để đưa tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của công chúng. Đó là sẵn sàng sử dụng thiết bị di động để tạo ra các nội dung phù hợp với điện thoại thông minh, máy tính bảng; tập trung vào kỹ năng viết, kỹ năng làm video (biết quay, xử lý và đưa video lên mạng), biết ghi âm và chỉnh sửa các file âm thanh, thực hiện báo chí dữ liệu, tương tác với công chúng...

Trong số những kỹ năng này, kỹ năng sử dụng, biến những dữ liệu phức tạp thành những câu chuyện hấp dẫn, dễ hiểu bằng hình ảnh là một kỹ năng quan trọng mà nhiều hãng truyền thông săn đón. Đồng thời, mỗi thành viên của tòa soạn không phải là những cá nhân chuyên biệt mà phải làm việc theo nhóm.

“Vài năm qua tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí cũng đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform (đa nền tảng) và xu hướng social-first (ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội). Thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin.

Không chỉ có một Fanpage, nhiều cơ quan báo chí có Fanpage cho từng chuyên mục, chương trình trên mạng xã hội Facebook. Nhiều tờ báo, đài truyền hình mở hàng chục kênh trên mạng xã hội YouTube, TikTok để đưa thông tin đi xa hơn, rộng hơn, tiếp cận đối tượng độc giả mới” - đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân nhìn nhận.

Để thực hiện nhiệm vụ mới, các cơ quan báo chí đã tuyển dụng nhiều nhân lực có trình độ tham gia quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh sự thúc ép bởi công việc được giao, chìa khóa để các nhà báo có thể thực hiện các sản phẩm báo chí số đó là phải có ý thức sử dụng công nghệ và thay đổi nhận thức về công nghệ sử dụng, có khả năng học hỏi tiếp thu công nghệ mới.

Và không chỉ dừng lại ở kỹ năng sử dụng công nghệ, nhà báo của báo chí chuyển đổi số phải có kỹ năng “chuyển đổi số toàn diện”, kỹ năng “all-in-one” (tất cả trong một): kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng hợp tác liên ngành; kỹ năng làm việc với AI, ChatGPT; tác nghiệp văn hóa thích ứng với báo chí chuyển đổi số...

“Trong bất cứ môi trường nào, đào tạo đội ngũ người làm báo năng động, giỏi tác nghiệp trong thực tiễn là mục tiêu cao cả của ngành báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí hiện nay, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho nhà báo số đã trở thành con đường phát triển tất yếu, cần chiến lược đào tạo bài bản và lâu dài. Mục đích cuối cùng là đào tạo ra những người làm báo gắn thực tiễn với đời sống báo chí và họ không phải chỉ là “đánh trận trên giấy”, mà cần có vốn kiến thức sâu rộng, kỹ năng tác nghiệp “đa năng” - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị bày tỏ.

 

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đề ra mục tiêu: đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.