Để nông dân ra “đề bài”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoa học công nghệ (KHCN) là chìa khóa để giúp người nông dân giảm bớt sức lao động nặng nhọc, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, muốn đạt được hiệu quả cao, việc ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, nông thôn phải xuất phát từ chính nhu cầu của bà con nông dân.

Hiệu quả từ mô hình điểm

Năm 2011, Sở KH&CN Hà Nội đã hỗ trợ Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao triển khai dự án sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức. Với diện tích 3ha, hiện tại Công ty Kinoko đang tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên và nhân rộng mô hình trồng nấm ra hàng chục cơ sở vệ tinh khác. Mỗi năm, công ty và các vệ tinh sử dụng 1.000 - 1.500 tấn nguyên liệu rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân, lõi ngô để trồng nấm, làm ra 500 - 700 tấn nấm tươi các loại, giá trị sản phẩm đạt 10 - 15 tỷ đồng. Bà Dương Thị Thu Huệ - Giám đốc Công ty Kinoko cho biết, đến nay dự án đã giúp cho hàng ngàn người dân tiếp cận công nghệ trồng nấm, nâng cao thu nhập.

 
Chăm sóc nấm tại khu sản xuất của Công ty Kinoko, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thiện
Chăm sóc nấm tại khu sản xuất của Công ty Kinoko, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thiện
Cũng trong chương trình ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đầu năm 2013, Sở KH&CN Hà Nội triển khai mô hình sấy tăm hương công nghệ cao tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Anh Lê Văn Biểu, người đầu tiên ứng dụng công nghệ lò sấy hơi ở Quảng Phú Cầu chia sẻ, lò sấy hơi có công suất cao, sấy khô cho 25 tấn vầu/lần, giúp rút ngắn thời gian phơi sấy. Hơn nữa, chất lượng tre, vầu nguyên liệu đẹp hơn so với phơi tự nhiên nên sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh cao.

Theo UBND xã Quảng Phú Cầu, toàn xã hiện có khoảng 200 hộ đầu tư máy móc sản xuất tăm hương, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300 - 400 tấn vầu. Để có chỗ phơi nguyên liệu, nhân dân tận dụng cả bờ ruộng, đường làng gây cản trở giao thông và lượng mùn thải ra nhiều, gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2011, một số hộ sản xuất áp dụng lò sấy thủ công để sấy vầu nguyên liệu nhưng rất mất an toàn vì hay xảy ra cháy nổ. Do đó, áp dụng hệ thống lò sấy hơi không chỉ giúp người dân chủ động trong sản xuất mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xuất phát từ nhu cầu

Có thể nói KHCN đang đóng một vai trò quan trọng đối với chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình về ứng dụng KHCN vào sản xuất do Sở KH&CN triển khai thời gian qua đã bước đầu mở ra hướng nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, các mô hình thí điểm còn ít và chi phí đầu tư cao. Đơn cử, lò sấy tăm hương công nghệ cao đòi hỏi kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Bởi vậy, để đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, cần có giải pháp hỗ trợ cho người dân.

Ông Đinh Xuân Linh - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học thực vật cho rằng, Hà Nội có đầy đủ điều kiện về công nhân kỹ thuật, nguyên liệu để sản xuất 1 triệu tấn nấm/năm nhưng hiện nay các chợ đầu mối của Hà Nội vẫn đang phải nhập 10 tấn nấm tươi/ngày. Để nhân rộng được mô hình, TP cần xây dựng đề án phát triển sản phẩm nấm và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về đất đai, vốn đầu tư. Ông Nguyễn Trung Quân - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa kiến nghị Sở KH&CN tiếp tục nghiên cứu nhiều mô hình phù hợp với quy mô hộ sản xuất vừa và nhỏ. Đồng thời, đơn giản hóa các thiết bị công nghệ để giảm chi phí đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đề nghị Sở KH&CN cùng địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, nông thôn đến nhiều người dân. Hoạt động ứng dụng KHCN phải làm có trọng tâm, trọng điểm và xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà con nông dân. Bà con sẽ làm người ra "đề bài" để các nhà khoa học tập trung giải quyết nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần xây dựng, trình TP ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân đẩy mạnh ứng dụng KHCN.