Đề phòng mưa lớn xảy ra do hoàn lưu sau bão

Kinhtedothi Online
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục từ chiều 18/8 và trong ngày 19/8, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn...

Kinhtedothi - Liên tục từ chiều 18/8 và trong ngày 19/8, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trọng điểm dự kiến bão sẽ đổ bộ.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Nam Định và Thái Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Ninh Bình và Thanh Hóa.

Sáng 19/8, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh đến kiểm tra dọc tuyến đê Hà Nam dài 34km giáp sông Rút thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, trong đó có những điểm trong đê xung yếu thấp hơn 1 mét so với mặt nước biển, lại đang bị xuống cấp hoặc chưa được xây dựng đê bao. Phó Thủ tướng cũng kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các công trình, dự án đang thi công dở dang tại Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Thanh Hóa.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp thị sát một số khu vực xung yếu ven biển và tuyến đê biển tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Tiếp đó, Phó Thủ tướng thị sát tuyến đê biển, kiểm tra công tác sơ tán dân và ứng phó bão tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Trước đó, trong chiều tối 18/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thị sát tuyến đê biển số 1 Đồ Sơn, Hải Phòng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về công tác phòng chống bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Ninh Cơ, kiểm tra tuyến đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định và kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm tại cảng Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Các Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần an toàn của người dân là trên hết, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về tài sản, các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến, kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở và người dân triển khai các biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó có hiệu quả, không để bị động bất ngờ, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Cấm tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào nơi trú tránh. Khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm như trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, khu vực cửa sông, ven biển có nguy cơ ngập sâu, các nhà yếu có nguy cơ sập đổ đến nơi an toàn. Căn cứ tình hình diễn biến bão, mưa lũ cụ thể ở địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các khu vực bão đổ bộ trực tiếp và mưa lũ lớn.

Đặc biệt, các Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần hết sức đề phòng mưa lớn có khả năng xảy ra do hoàn lưu sau bão, các địa phương cần sẵn sàng, khẩn trương ứng phó, tiêu thoát lũ, úng do mưa lũ sau bão.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 1478/CĐ-TTg yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cấp thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão.

Thực hiện hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 đã thực hiện lệnh cấm biển. Đến sáng 19/8, các địa phương đã sơ tán 37.643 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.024 người; Hải Phòng: 1.182 người; Nam Định: 7.069 người; Thái Bình: 24.795 người; Ninh Bình: 1.573 người).