Ða số các lễ, hội đầu Xuân thu hút rất đông người tham gia, lợi dụng điều này này, một số đối tượng xấu thường trà trộn vào đám đông để ra tay móc túi, trộm cắp.
Năm nay do ban quản lý các đền, chùa và lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã làm tốt công tác phòng chống nên nạn trộm, cắp tại các lễ hội đầu Xuân đã giảm mạnh. Tuy nhiên, người tham gia lễ, hội vẫn cần nên cẩn trọng khi du Xuân đầu năm mới. Phân tích nhiều vụ trộm cắp trước đây tại các lễ hội cho thấy, các đối tượng phạm tội thường giả dạng khách hành hương, ăn mặc lịch sự, thậm chí còn mang theo đồ lễ tạo vỏ bọc với những người xung quanh. Thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng là thường tìm nạn nhân là nữ hay mang theo túi xách bên mình (nhất là những người đi một mình). Lợi dụng lúc họ đang mải cầu khấn, chúng tìm cách đánh lạc hướng như: Tự hạ lễ hay bê lễ của người bị hại đi nơi khác, cũng có khi chúng đạp tụt giày của du khách hay châm hương làm cháy áo. Khi du khách bị thu hút bởi phía trước thì phía sau đồng bọn của chúng áp sát để rạch túi, trộm cắp tài sản. Hoặc lợi dụng tình trạng chen lấn xô đẩy, đối tượng trộm cắp thường dùng kìm bấm loại nhỏ cắt đứt dây trang sức để đồng bọn chờ sẵn nhặt và nhanh chóng biến mất…
Nhằm phòng ngừa có hiệu quả hoạt động trộm cắp tài sản ở địa bàn công cộng, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã đưa ra khuyến cáo: Người dân khi đi chùa, lễ hội cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của mình. Tại các lễ hội, chùa, phủ…, mọi người dân cần đề phòng hoạt động trộm cắp, móc túi diễn ra ở khu vực nhà chờ (nơi có cáp treo), nơi chuẩn bị đồ lễ. Cảnh giác với các hoạt động chen lấn, xô đẩy của tội phạm để lợi dụng lộn xộn, trộm cắp móc túi lấy điện thoại, ví và những tài sản có giá trị khác. Trước hết, mọi người trước khi vào lễ hội, không nên mang theo quá nhiều tiền, vật dụng có giá trị (như hoa tai, dây chuyền vàng, điện thoại đắt tiền...) hay giấy tờ quan trọng. Nếu đoàn đông người nên đi sát nhau và lưu ý, nhắc nhở cùng bảo vệ tài sản. Ngoài ra, tại các lễ hội lớn, không ít người kinh doanh dịch vụ ăn theo cũng thừa cơ “chặt chém” du khách. Để tránh bị hớ, người dân cần hỏi kỹ giá cả và thống nhất trước khi mua hàng hóa hoặc khi vào ăn, uống nước. Nếu người kinh doanh cố tình bán hàng phi lý, trái đạo đức, người dân nên báo ngay cho tổ an ninh, trật tự gần nhất để kịp thời giải quyết.