Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Rác thải công nghiệp là loại chất thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong ngành công nghiệp. Chúng bao gồm các chất thải được thải ra môi trường từ các nhà máy, công ty, xí nghiệp. Thông thường, loại rác thải này được phân loại thành hai loại chính là rác thải nguy hại (bao gồm các chất độc hại như hóa chất, chất tẩy rửa) và rác thải không nguy hại (bao gồm phế liệu, vật liệu không còn sử dụng nhưng không gây hại).
Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 16,2 triệu tấn rác thải công nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 70% được xử lý. Phần còn lại thường bị đổ bừa bãi hoặc chôn lấp không đúng quy cách, gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Các ngành công nghiệp như dệt may, hóa chất, sản xuất kim loại, và sản xuất điện tử là những nguồn chính tạo ra lượng rác thải lớn. Trước đây, các phương pháp xử lý rác thải công nghiệp chủ yếu tập trung vào chôn lấp và đốt. Chôn lấp là phương pháp đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro như ô nhiễm nguồn nước ngầm, phát thải khí methane. Đốt rác thải cũng gây ra nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, phát thải khí độc hại.
Theo các chuyên gia, việc xử lý và quản lý rác thải công nghiệp mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa thể ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do nguồn kinh phí đầu tư cho việc xử lý rác thải công nghiệp rất lớn.
Theo quy định, các khu công nghiệp đang hoạt động đều phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng, có không ít các công trình này dù đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả xử lý không cao, chưa đạt quy định của các QCVN. Bên cạnh đó, không ít DN đã dùng các "thủ đoạn" để xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường như xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch hoặc lợi dụng thủy triều lên, lợi dụng trời mưa… để xả thải ra môi trường.
Doanh nghiệp phải đi tiên phong
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải công nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng. Các công nghệ hiện đại như plasma, xử lý sinh học và tái chế đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm thiểu và xử lý rác thải. Công nghệ plasma sử dụng nhiệt độ cao để phân hủy rác thải thành các thành phần không gây hại, trong khi xử lý sinh học sử dụng vi khuẩn và nấm để phân hủy các chất hữu cơ. Tái chế giúp biến rác thải thành nguyên liệu cho các quy trình sản xuất mới.
Tại Việt Nam, một số DN đã bắt đầu áp dụng công nghệ tiên tiến này, nhưng quy mô vẫn còn hạn chế do chi phí đầu tư cao và thiếu chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, chi phí cho việc áp dụng các công nghệ xử lý rác thải công nghiệp không hề nhỏ. Theo một số nghiên cứu, việc đầu tư vào công nghệ plasma có thể tốn từ 1 - 2 triệu USD cho một nhà máy quy mô nhỏ, trong khi công nghệ xử lý sinh học và tái chế cũng đòi hỏi khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, các giải pháp này mang lại lợi ích dài hạn, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tái sử dụng tài nguyên, từ đó góp phần vào phát triển bền vững.
Để giải quyết bài toán rác thải công nghiệp, chính sách và quy định pháp lý đóng vai trò quan trọng. Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến quản lý rác thải công nghiệp, như Luật Bảo vệ Môi trường và các nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực thi các quy định này còn nhiều bất cập.
“Cơ chế kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, các hình phạt đối với vi phạm còn nhẹ và chưa đủ răn đe” – Luật sư Bùi Đình Ứng cho hay. Theo chuyên gia pháp lý này thì để nâng cao hiệu quả quản lý rác thải công nghiệp, cần phải cải thiện chính sách và quy định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý hiện đại.
Theo các chuyên gia môi trường, song song với các giải pháp về quy định pháp luật và đầu tư công nghệ, Việt Nam cần nghiêm túc trong việc đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải công nghiệp. Theo đó, mô hình này giúp tái sử dụng và tái chế rác thải thành nguyên liệu cho các quy trình sản xuất mới. Tại Việt Nam, một số DN đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và đạt được những kết quả tích cực. Chẳng hạn, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân đã triển khai chương trình tái chế nhựa từ rác thải công nghiệp, giảm thiểu lượng nhựa mới cần sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này vẫn gặp nhiều thách thức, bao gồm chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu hụt công nghệ và chuyên môn kỹ thuật, cũng như sự phối hợp giữa các DN và các bên liên quan.
Ngoài ra, vai trò của DN và cộng đồng trong việc xử lý rác thải công nghiệp không thể bị bỏ qua. Các DN cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu và xử lý rác thải, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Nhiều DN đã bắt đầu thực hiện các chương trình và sáng kiến để giảm thiểu rác thải, như tái sử dụng nguyên liệu, sử dụng công nghệ xanh, và tham gia các chương trình tái chế.
GS.TS Trịnh Văn Tuyên – Chuyên gia môi trường nhận định, việc giảm thiểu rác thải công nghiệp không chỉ là câu chuyện của riêng cơ quan quản lý mà còn có cả nhiệm của DN. “Các DN cần phải nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải có trách nhiệm với môi trường của người sản xuất, môi trường xung quanh và các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của các cơ quan quản lý môi trường T.Ư và địa phương” – GS.TS Trịnh Văn Tuyên nói.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải công nghiệp không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra nhiều giá trị kinh tế và xã hội. Các công nghệ xử lý rác thải hiện đại tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp xanh. Đồng thời, việc tái chế và tái sử dụng rác thải giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh của DN và tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng.