Nhận định chung về đề thi Lịch sử, cô Nguyễn Thị Hưởng – giáo viên Lịch sử trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Đề thi hay, an toàn và bám sát kiến thức cơ bản sách giáo khoa (SGK) và vừa sức với đại đa số học sinh. Đề thi không yêu cầu học sinh học thuộc lòng SGK, nhớ máy móc số liệu, mốc thời gian mà kiểm tra khả năng tái hiện sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử.
Đề thi Lịch sử năm nay có cấu trúc thay đổi về số câu và cách tính điểm so với đề thi năm trước. Cụ thể, đề thi Lịch sử trước đây có 40 câu mỗi câu 0,25 điểm thì đề thi năm nay gồm 30 câu và được chia thành 2 phần: Phần I, 20 câu mỗi câu 0,35 điểm; phần II là 10 câu mỗi câu là 0,3 điểm.
Thí sinh được gọi vào phòng thi sáng ngày 13/6 tại điểm thi trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng. |
Trong phần II có 10 câu, trong đó có những câu gắn liền với kiến thức thực tế, như ở mã đề 004, câu 28 hỏi về trụ sở của Asean hiện nay, câu 22 cơ quan quyền lực cao nhất có quyền lập pháp sau cuộc tổng tuyển cử là cơ quan nào?
“Đề Lịch sử cũng có những câu hỏi phân loại, đòi hỏi học sinh phải nắm bắt được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn và có cái nhìn xuyên suốt các vấn đề để có thể trả lời. Những câu hỏi khó hơn trong đề là câu 30 hỏi về cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp xâm lược lần hai gắn với sự kiện nào. Với đề thi Lịch sử này, phổ điểm phổ biến từ là 7 – 8 – 9” – cô Nguyễn Thị Hưởng dự đoán.
Đề thi vừa giảm số lượng câu hỏi, vừa giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá; nội dung câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử 9 với khoảng hơn 90% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, có 2 câu hỏi vận dụng là nhận định chung của Tổ Lịch sử - Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Tổ giáo viên Lịch sử của Hệ thống Giáo dục HOCMAI đi vào phân tích sự thay đổi của cấu trúc đề Lịch sử gồm có hai phần với việc phân bổ điểm khác nhau.
Phần 1: 20 câu (0,35 điểm/câu), gồm 20 câu hỏi nhận biết và thông hiểu, phủ đều các chuyên đề Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Trong phần này, nội dung hầu hết xoay quanh việc tái hiện kiến thức lịch sử, đặc biệt xuất hiện cách đặt câu hỏi mới nêu đặc điểm của đối tượng yêu cầu học sinh nhận dạng giai cấp. Với Phần 1, những thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản hoàn toàn có thể xử lí nhanh gọn, không chút khó khăn và đạt được 7 điểm.
Phần 2: 10 câu (0,3 điểm/câu), gồm 10 câu bao gồm 2 câu hỏi vận dụng. Trong phần 2, có 3 câu lịch sử thế giới, 7 câu lịch sử Việt Nam, mức độ câu hỏi khó hơn phần 1 với mục đích phân hóa thí sinh. Điểm đặc biệt trong phần này là học sinh cần khai thác kênh hình (câu 24) hoặc ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, các mốc thời gian…Phần 2 với số lượng câu hỏi ít hơn và điểm trung bình câu thấp hơn phần 1 nên dù các em trả lời chưa chính xác thì khả năng mất điểm cũng ít hơn. Thí sinh cần tinh ý trong việc phân bổ thời gian làm bài để tối ưu điểm số từ sự phân chia này.
“Nội dung đề thi Lịch sử đã trải đều chương trình kiến thức lịch sử lớp 9, không có nội dung nằm trong chương trình giảm tải. Kiến thức của đề thi trải dài ở các chuyên đề lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, các câu hỏi vừa sức với học sinh mang tính thông hiểu và nhận biết, bên cạnh đó có một số câu hỏi mang tính nâng cao nhằm phân loại học sinh. Với những câu hỏi này yêu cầu học sinh cần có quá trình học bài bản và đọc kỹ SGK trong quá trình ôn tập thì hoàn toàn có thể hoàn thành tốt bài thi.
Đề thi hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay khi đã giảm bớt thời lượng làm bài và số lượng câu hỏi trong đề thi. Với đề thi này học sinh đạt điểm cao sẽ khá nhiều” - TS Lê Thị Thu Hương - giáo viên môn Lịch sử, Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ.
Cô Trần Mai - giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhận định đề thi Lịch sử vừa sức, bám sát với chương trình học sinh đã học, không có câu hỏi mang tính đánh đố. Kiến thức trong đề thi phủ toàn bộ chương trình Lịch sử lớp 9, kiểm tra đúng đơn vị kiến thức, kĩ năng cơ bản trong chương trình. Theo cô Trần Mai, với đề thi này, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm bài tốt, phổ điểm sẽ ở mức 8 điểm.