Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để thị trường quyết định lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật BASICO) cho rằng, xu hướng phát triển và cạnh tranh trong ngành tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng lớn và khốc liệt.

Việc phát triển thị trường theo hướng tự do và cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp người dân được tiếp cận nhiều sản phẩm tối ưu, dịch vụ khách hàng tốt hơn cũng như với mức lãi suất cạnh tranh hơn.

Quan điểm của ông về loại hình vay tiêu dùng tín chấp? Vì sao các khoản vay cá nhân vẫn “neo” lãi suất khá cao?

Để thị trường quyết định lãi suất - Ảnh 1- Sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Cho vay tiêu dùng cũng là một công cụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Ngoài ra, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế “tín dụng đen” và mở ra cơ hội cho nhiều người dân tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.

Bản chất quy mô vay tiêu dùng thường nhỏ, kỳ hạn khoản vay thường là ngắn hạn và trung hạn. Phần lớn các khoản vay tiêu dùng được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp. Các khoản vay tiêu dùng thường không có tài sản đảm bảo. Chi phí thu hồi nợ, quản lý, phí phục vụ cao hơn bình thường (bao hàm cả chi phí cho các dịch vụ khác như phí chuyển khoản qua ngân hàng, phí bảo hiểm)… là nguyên nhân cho vay tiêu dùng luôn có lãi suất cao hơn các mức vay thông thường.

Vì sao ngân hàng nội chiếm thị phần ít hơn so với ngân hàng ngoại, thưa ông?

- Đối với cho vay tiêu dùng, các ngân hàng nội vẫn ưu tiên vấn đề tài sản thế chấp, khiến số lượng khoản vay tiêu dùng bị giảm đi. Phải thế chấp một căn nhà trị giá khoảng 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng chỉ để vay khoảng vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, nên người tiêu dùng cũng ngại. Bởi vậy, ngân hàng nội muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì phải tăng hạn mức cho vay và nới lỏng hơn các điều kiện vay. Bên cạnh đó, nếu lãi suất cho vay phù hợp, thời hạn cho vay hợp lý thì khoản trả gốc và lãi hàng tháng sẽ không quá lớn, chắc chắn nhu cầu vay tiêu dùng sẽ còn tăng.

Lãi suất cho vay tiêu dùng cao có phạm luật? Có nên có một mức trần cho vay tiêu dùng giống như với cho vay thương mại sản xuất, kinh doanh? Nhà nước cần làm gì để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển đúng hướng?

- Các công ty tài chính có mức độ yêu cầu cho vay thoáng hơn so với ngân hàng thương mại, nhưng tất nhiên họ cũng có lãi suất cao hơn để bù đắp lại rủi ro. Tuy nhiên, khác với hoạt động cho vay tín dụng của các ngân hàng thương mại, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là các thỏa thuận dân sự và không bị giới hạn về lãi suất. Do đó, bản thân người tiêu dùng cần nghiên cứu, xem xét thận trọng trước khi ký kết hợp đồng.

Hiện, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng biện pháp quản lý lãi suất tín dụng tiêu dùng. Siết chặt quản lý lãi suất cho vay tiêu dùng là việc làm cần thiết, tuy nhiên cũng không nên khô cứng. Lãi suất trong thị trường cũng như các loại giá cả khác, quan trọng nhất là cần phải được tự do thỏa thuận, tự khắc thị trường sẽ định hình ra một mức lãi suất thấp nhất, hợp lý nhất và cạnh tranh nhất. Trần lãi suất hoàn toàn xa rời thực tế, sẽ dẫn đến phần lớn giao dịch phạm luật và hạn chế kênh cho vay chính thức, khuyến khích hoạt động cho vay tự phát, gồm cả cho vay nặng lãi.

Cần tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tín dụng cùng tham gia vào thị trường này, tạo nên sự cạnh tranh về phí, lãi suất theo đúng quy luật thị trường. Nếu có nhiều công ty tài chính cùng tham gia thị trường này thì lãi suất sẽ hạ thấp và có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ làm cho hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!