Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để thị trường UpCoM phát triển lành mạnh

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không thể phủ định sự phát triển của thị trường UpCoM. Nhưng thực tế và tham vọng phát triển thị trường UpCoM của cơ quan quản lý đang đặt dấu hỏi cho nguy cơ rủi ro.

Động cơ đăng ký lên sàn
Nếu như các doanh nghiệp (DN) niêm yết là để khẳng định uy tín, tìm cơ hội huy động vốn phát triển kinh doanh, thì động cơ của các DN đăng ký lên sàn UpCoM khá phức tạp. Tại đây dường như khoanh vùng chỉ các ngân hàng và một số DN lớn có động cơ lên sàn khá rõ ràng từ đầu. Họ chọn UpCoM với ý thức tự nguyện và coi đây như là một giải pháp an toàn để phấn đấu niêm yết trên sở giao dịch.
Kế đến là nhóm DN đăng ký giao dịch nhưng không có động cơ rõ ràng từ đầu do bị ép buộc theo quy định của pháp luật. Tỷ trọng lớn trong nhóm này là các công ty cổ phần thành lập sau cổ phần hóa DNNN. Phần nhiều DN sau cổ phần hóa do quản trị và điều hành đang ở giai đoạn giao thời nên nhìn chung họ chưa mặn mà lên sàn UpCoM.
Trong khi nhiều DN lên sàn với mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh trung dài hạn thì vẫn không ít DN chỉ nghĩ kiếm lợi ngắn hạn hoặc kiếm lợi cho một nhóm người nào đó. Giấc mơ “sau một đêm trở thành tỷ phú” không phải không xuất hiện trên sàn UpCoM của một ít chủ DN, chỉ có điều khó phát hiện mà thôi.
Quy mô hay chất lượng
Chỉ từ 10 cổ phiếu đăng ký giao dịch phiên đầu tiên (24/6/2009) đến nay (31/7/2019) sàn UpCoM đã có 849 cổ phiếu được ghi tên, bằng 1,13 lần tổng số cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE và HNX; quy mô vốn hóa của UpCoM đạt 995.895.283 tỷ đồng, tương đương 28,07% tổng vốn hóa của cả 2 sàn này, nếu chỉ so riêng với HNX thì cao trên 5,5 lần. Tại sao có sự tăng trưởng mạnh như vậy?
 Khách hàng theo dõi thông tin chứng khoán UpCoM tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thứ nhất, do tác động từ chính sách của Chính phủ và Bộ Tài chính. Theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các công ty cổ phần được thành lập sau cổ phần hóa DNNN phải đăng ký giao dịch trên sàn UpCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập; Tương tự Nghị định 60/2015/NĐ-CP cũng quy định DN đã là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên sàn UpCoM.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy định nhằm tạo thuận lợi cho DN đăng ký giao dịch UpCom tại HNX. Mới đây nhất bộ này đã có Thông tư 13/TT-BTC được cho là giải quyết hạn chế trong thực tiễn, nhằm tạo điều kiện có thể để DN đáp ứng điều kiện ghi tên vào sàn. Khởi động của Thông tư đó chắc chắn góp phần nhất định trong lời giải bài toán vận động khoảng 660 DN cổ phần hóa hiện đang đủng đỉnh chưa muốn lên sàn UpCoM.
Thứ hai, điều kiện đăng ký nhập sàn khá dễ, trong khi trách nhiệm công bố thông tin quá hạn chế và chậm trễ. Theo quy định để đăng ký giao dịch sàn UpCoM trước hết DN phải là công ty đại chúng hoặc DN cổ phần hóa. Một trong ba tiêu chí để công nhận công ty đại chúng là có ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và có vốn tối thiểu 10 tỷ đồng. Thực tế việc thỏa mãn tiêu chí đó chỉ cần xử lý kỹ thuật đơn giản nếu DN có động cơ muốn nhập sàn. Đối với DN cổ phần hóa đương nhiên được quyền đăng ký vào sàn bất biết là đủ chuẩn công ty đại chúng hay chưa.
Xét góc độ hiệu quả kinh doanh, sàn UpCoM dung nạp đủ loại DN. Trường hợp DN lỗ không chỉ năm báo cáo mà lỗ suốt 2 đến 5 năm trước đó hiển diện trên sàn này là không ít. Điều này giải thích tai sao có một số cổ phiếu xuất hiện giao dịch nội bộ là chủ yếu, ít nhà đầu tư bên ngoài quan tâm.
Về nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính, thay theo hàng quý như DN niêm yết thì DN trên sàn UpCoM chỉ cần báo cáo tài chính theo năm. Không những vậy, hàng năm có nhiều DN không tuân thủ và biện bạch lý do chậm trễ. Thực tế nhà đầu tư chỉ căn cứ kết quả kinh doanh năm trước để phán đoán chất lượng cổ phiếu với kết cục đầu tư nặng về tính may rủi.
Thứ ba, biên độ giá giao dịch ± 15% cũng là tác nhân tạo ma lực hút mạnh dòng tiền chạy vào sàn UpCoM. Ngoại trừ mua bán ma túy, cá độ cờ bạc, đầu tư tiền ảo, thì chỉ còn việc đầu tư vào cổ phiếu trên sàn UpCoM mới có cơ hội mức lợi suất đến hàng trăm phần trăm trong chỉ vài ba tháng nhờ biên độ giá cao. Chính các nhà quản lý thị trường cũng đã từng cho rằng việc nới biên độ giá giao dịch từ ±10% lên mức ±15% (ngày 1/7/2015) nhằm tăng sự hấp dẫn cho thị trường. Nhưng rõ ràng mặt trái của sự hấp dẫn là tiêu cực.
Khi nhìn nhận sự phát triển bền vững, lành mạnh của một thị trường cổ phiếu người ta không chỉ quan tâm đến quy mô cổ phiếu mà còn đặc biệt quan tâm chất lượng cổ phiếu giao dịch. Vậy chất lượng cổ phiếu trên sàn UpCoM cần nhìn nhận như thế nào và có vấn đề không?
Thứ nhất, nhiều DN có nền tảng kinh doanh yếu nên phần lớn cổ phiếu giao dịch trên sàn UpCoM được đánh giá chất lượng khá mù mờ. Do quy định công bố báo cáo tài chính chậm trễ, trong khi các thông tin liên quan về quản trị và điều hành DN không phải công bố, nên thị trường thiếu cơ sở nhìn nhận định giá cổ phiếu.
Thứ hai, khá nhiều cổ phiếu trên sàn UpCoM có giá giao dịch tăng “nóng” một cách đáng ngờ, mức tăng tính bằng lần chứ không theo cách tính thông thường là đơn vị phần trăm nữa. Chẳng hạn trong 6 tháng đầu năm 2019 cả 3 sàn có 51 cổ phiếu tăng giá bằng lần thì riêng sàn UpCoM có mặt 38 cổ phiếu, chiếm 74,5%. Trong đó có 10/38 cổ phiếu có mức vốn hóa dưới 30 tỷ đồng, chiếm hơn 20% . Đặc biệt có cổ phiếu mức tăng giá hàng chục lần như VNX tăng 65,6 lần.
Đặc điểm chung của DN có cổ phiếu tăng giá khủng là vốn điều lệ nhỏ, cổ đông cô đặc, khả năng thanh khoản thấp, tỷ lệ chi trả cổ tức cao liên tục vài ba năm dù lợi nhuận cao hay thấp. Riêng cơ cấu cổ đông, phần lớn dưới dạng mô hình sở hữu tập trung vào các đối tượng trong ban điều hành DN hoặc người có liên quan.
Chẳng hạn cổ phiếu VNX nói trên, DN này chỉ có vốn điều lệ chỉ 12,3 tỷ đồng, trong đó 4 thành viên hội đồng quản trị sở hữu 47,7%. Hoặc cổ phiếu BOT (tăng giá 5,5 lần) 4 cổ đông lớn sở hữu đến 95,17% vốn điều lệ.
Hệ quả tiêu cực đậm nét của sở tập trung là câu chuyên làm giá cổ phiếu nhằm kiếm lợi riêng bất hợp pháp. Nếu không có chuyện làm giá thì làm sao có chuyện một cổ phiếu nào đó tăng giá liên tục hàng chục phiên với mức tăng kịch trần hoặc xấp xỉ, trong khi quy mô giao dịch bé nhưng khá đều theo lộ trình giá tăng.
Thứ ba, với bức tranh có trên 30 DN báo lỗ liên tục liên tiếp nhiều năm liền kề, đặc biệt có DN lỗ nặng liên tục đến mức âm vốn hàng nghìn tỷ đồng, trong khi giá giao dịch của khoảng 17% cổ phiếu trên sàn dưới mức 5.000 đồng, thử hỏi chất lượng cải thiện bằng cách nào?
Thay cho lời kết
Dường như các nhà quản lý xem nhẹ tiền kiểm để tin rằng siết chặt hậu kiểm như đối với 2 sàn niêm yết là sàn UpCoM cứ vậy phát triển mạnh mẽ. Nên nhớ, giám sát và thanh tra phát hiện tội phạm trên thị trường cổ phiếu niêm yết đã phức tạp rồi thì việc đó còn phức tạp hơn rất nhiều đối với thị trường UpCoM.
Với tham vọng đưa thị trường UpCoM phát triển mạnh mẽ hơn, quan chức HNX đang có ý tưởng sẽ đề nghị Ủy ban Cứng khoán cho áp dụng nghiệp vụ margin với các cổ phiếu đáp ứng như cổ phiếu niêm yết, đồng thời cho nới biên độ giá giao dịch.Việc này cần phản biện thế nào?
Thứ nhất. UpCoM không thể là thị trường hưởng cơ chế hơn cả thị trường niêm yết trong khi tiêu chuẩn lên sàn, nghĩa vụ công bố thông tin lỏng lẽo. Đó là chưa nói cổ phiếu đáp ứng như cổ phiếu niêm yết là thế nào? Cổ phiếu đủ chuẩn rồi nhưng phải niêm yết thì niêm yết ở đâu? Hay UpCoM có cửa niêm yết riêng? Có mâu thuẫn tôn chỉ không?
Thứ hai, hiện biên độ giá ±15% đã là nguy hiểm như nói ở trên, vậy tăng biên độ hơn nữa có biến UpCoM thành sàn tiền ảo không?
Cho nên, cơ quan quản lý hãy trả cho sàn UpCoM trở về hoạt động theo đúng tôn chỉ là nhằm mở rộng thị trường có tổ chức, có quản lý của Nhà nước và tạo nơi tập dượt cho DN chưa niêm yết phấn đấu sớm niêm yết. Làm theo tôn chỉ là đã mệt rồi còn muốn “ôm” thêm làm gì.

Trong khi nhiều DN lên sàn với mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh trung dài hạn thì vẫn không ít DN chỉ nghĩ kiếm lợi ngắn hạn hoặc kiếm lợi cho một nhóm người nào đó. Giấc mơ “sau một đêm trở thành tỷ phú” không phải không xuất hiện trên sàn UpCoM của một ít chủ DN, chỉ có điều khó phát hiện mà thôi.