|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Thu hút nguồn lực phục vụ phát triển Thủ đôTrong 10 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, củng cố an ninh quốc phòng, mở rộng hợp tác, hội nhập và phát triển. Tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước giai đoạn năm 2017 đạt gấp 3,4 lần so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,28%/năm, năm 2017 ước thực hiện chi ngân sách gấp 3,6 lần so với năm 2008. Tỷ lệ chi đầu tư xây dựng cơ bản bình quân đạt 45,5% trong tổng chi ngân sách. Cân đối ngân sách của Hà Nội đảm bảo theo dự toán T.Ư và HĐND TP giao, góp phần quan trọng trong sự phát triển của Thủ đô. Bộ Tài chính đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội… trong đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi, vận động người nộp thuế chấp hành pháp luật thuế. Qua đó, góp phần tích cực trong việc tăng thu ngân sách, tạo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng vì sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
(Hà Lâm ghi) |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Những phát triển vượt bậc tuyến y tế cơ sởNgành y tế Thủ đô đã ghi nhận những phát triển mạnh mẽ, từ y tế cơ sở đến các bệnh viện tuyến TP cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước tập trung đầu tư mạnh cho y tế cơ sở để, từng bước phát huy vai trò tuyến đầu của y tế cơ sở trong việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Hiện 100% các trạm y tế trên địa bàn TP đạt chuẩn quốc gia. Trong công tác phòng chống dịch bệnh, dù liên tục đối mặt dịch sởi, sốt xuất huyết... nhưng đã phát huy rõ vai trò. Những kết quả của y tế Hà Nội về dân số - KHHGĐ, đảm bảo ATTP, an toàn tiêm chủng luôn được chú trọng và đạt kết quả khả quan. Bộ Y tế đánh giá cao Đề án cử bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới của Hà Nội, chuyển giao các kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện. Không tỉnh nào mà 100% bệnh viện tuyến huyện đều thực hiện được phẫu thuật nội soi như Hà Nội. Đây là nỗ lực nhiều năm của Hà Nội, mang lại hiệu quả cho người bệnh ngay tại tuyến huyện và phần nào hỗ trợ giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.
(Hải Lý ghi) |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Nhiều cơ hội mở ra cho Hà Nội hướng tới đô thị thông minhHà Nội sau mở rộng có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng. Diện mạo, tầm vóc và vị thế được nâng cao… Kinh tế Hà Nội tăng trưởng nhanh trong những năm qua, góp vào sự phát triển chung của cả nước. Với những kết quả đáng tự hào, việc phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả, chủ động hội nhập, sức cạnh tranh ngày càng cao, cùng với bảo đảm an sinh xã hội, Hà Nội tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò là trung tâm kinh tế lớn. Trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa là cơ hội vừa là thách thức đòi hỏi TP có những chính sách cho phát triển bền vững, vươn lên trở thành TP thông minh, đô thị kiểu mẫu tầm cỡ khu vực và thế giới.
Cùng với quá trình mở rộng và phân bố lại nguồn lực, cơ sở hạ tầng, không gian phát triển, TP cần tăng cường liên kết để hạ tầng đô thị phát triển hài hòa các khu đô thị vệ tinh với hướng đi phù hợp trong định hướng phát triển mới, tạo ra tính liên kết bổ trợ về chức năng. Qua đó giải quyết các vấn đề lớn của đô thị hóa quá tập trung hiện nay. Bộ KH&ĐT cam kết tiếp tục cùng các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội và các địa phương trong vùng để xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh nhằm đưa Hà Nội phát triển nhanh hơn.
(Trâm Anh ghi) |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Chọn những khâu khó để tạo đột phá cho nông nghiệp Với một vùng nông thôn rộng lớn sau khi được mở rộng, TP Hà Nội đã tập trung rất quyết liệt cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tôi đánh giá cao việc Hà Nội “dám” chọn khâu khó nhất nhưng căn bản nhất trong xây dựng nông thôn mới, đó là dồn điền đổi thửa, để thực hiện. Việc làm này rất khó, cần nhiều công sức và cách làm sáng tạo mà không phải nơi nào cũng làm được. Dù vậy, với quyết tâm cao, Hà Nội đã bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nông nghiệp. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đây có thể xem là thành công lớn của TP sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.
Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng nông nghiệp ven đô; khảo sát, đánh giá và có định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp với từng vùng, miền. Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông sản đặc sản. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các trang trại, gia trại, gắn với du lịch sinh thái. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích các thành phần xã hội, nhất là các DN hạt nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối chế biến, xuất khẩu nông sản của cả nước…”.
(Trọng Tùng ghi) |
GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Dư địa phát triển còn rất lớnSau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đặc biệt là trong một số năm gần đây, Hà Nội đã đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội khá ấn tượng và toàn diện trên các mặt. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì dư địa phát triển của Hà Nội còn rất lớn.
Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả của địa giới hành chính được mở rộng, Hà Nội cần chú trọng phát triển theo hướng đô thị bền vững, tập trung ưu tiên cho chất lượng phát triển, đặc biệt là chú trọng phát triển bền vững trên cơ sở liên kết vùng Thủ đô với các vùng kinh tế phụ cận. Hà Nội cần tạo lợi thế để các Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới đặt trụ sở, là nơi thu hút và tạo động lực cho các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp không chỉ ở trong nước mà còn đối với các nước trong khu vực và quốc tế.
(Trang Anh ghi) |
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy |
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy: Nhiều tiêu chí nông thôn mới sớm được hoàn thànhTrước năm 2008, Thường Tín đang ở giai đoạn đề ra mục tiêu đổi mới nông thôn. Đến nay, Thường Tín đã xây dựng được 19/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong năm 2018 huyện phấn đấu đạt thêm 6 xã. Mục tiêu đến năm 2020, Thường Tín sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Thông qua đó, hạ tầng giao thông nông thôn được bê tông hóa đồng bộ, hệ thống chiếu sáng cơ bản đã phủ kín. Nước sạch từ tỷ lệ 20%, đến nay 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có đến 45% gia đình được thụ hưởng hệ thống nước sạch. Hệ thống giáo dục tại địa phương phát triển khá ấn tượng, đã có 57/88 trường đạt chuẩn quốc gia.
Có thể nói rằng, thông qua mở rộng địa giới hành chính, thế mạnh làng nghề truyền thống được quan tâm phát triển đồng bộ. Năm 2020, huyện sẽ hoàn thành mục tiêu nhân đôi cụm làng nghề, tạo dựng bộ mặt hiện đại hóa Thường Tín… (Nguyễn Phong ghi)
|
PGS -TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội |
PGS -TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội: Cải thiện mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chínhNếu trước kia, công việc các xã khá trì trệ so với ở phường thì gần đây, việc giải quyết TTHC được cải thiện rất nhiều, thể hiện trước hết ở bộ phận “một cửa”. Đặc biệt, với chỉ đạo quyết liệt của TP theo “5 rõ” và công khai minh bạch, nâng hiệu quả bộ máy, đã giúp TP tinh giản được bộ máy, biên chế, bắt đầu chọn được người tài đưa vào những vị trí cần thiết - điều này rất quan trọng, giúp Hà Nội có bước đột phá.
Dù vậy, nhìn lại có thể thấy, do TP mở rộng nhiều, nhiều vùng nông thôn phát triển lên đô thị, nên lúng túng trong quản trị. Đồng thời, quy hoạch của Thủ đô chưa thật đảm bảo thẩm mỹ; quá nhiều chung cư cao tầng nên ảnh hưởng đến giao thông và nhiều lĩnh vực khác...
Để khắc phục những hạn chế, theo tôi, đầu tiên Hà Nội cần quyết liệt từ trên xuống dưới, hướng tới thực hiện chính quyền điện tử triệt để hơn để minh bạch mọi việc, giảm chi phí cho người dân và DN.
(Linh Chi ghi) |
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công |
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công: Thêm nguồn lực cho khu vực nông thônPhú Xuyên là một trong những huyện nằm xa trung tâm, thuộc vùng trũng, sản xuất nông nghiệp là chính, hạ tầng giao thông và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (Khóa XII), đến nay mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện đã được hoàn chỉnh phát huy hiệu quả, DN giao thương hàng hóa được thuận tiện. Nhờ có sự quan tâm của TP, huyện cùng các sở, ngành, DN đang hoàn thiện đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội, cùng với đó, 11 xã đã bố trí khoảng 227,78ha đất để quy hoạch thêm 19 cụm công nghiệp làng nghề. Tính đến hết năm 2017, đã có 156/156 làng có nghề, tăng 32 làng nghề so với năm 2008. Trong đó, số làng được công nhận làng nghề truyền thống tăng từ 37 làng năm 2008 lên 43 làng năm 2017. Đây được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế địa phương. Thể hiện rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện sau khi sáp nhập về Thủ đô giai đoạn 2008 - 2017 đạt 5,36% năm, tổng giá trị sản xuất năm 2017 cao gấp 5,56 lần so với năm 2008, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp - xây dựng từng bước tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế tăng từ 51% năm 2008 lên 66,05% năm 2017. Tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề tiêu thụ đạt kết quả cao.
(Nguyễn Trường ghi) |
Bà Đắc Thị Hoàn, thôn 6, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai |
Bà Đắc Thị Hoàn, thôn 6, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai: Đời sống người dân ngày càng được nâng cao
Những năm về trước, Cộng Hòa là một trong những xã còn bộn bề khó khăn. Trường học thì xuống cấp, cơ sở vật chất không đảm bảo phục vụ cho công tác giảng dạy, đường giao thông trong khu dân cư cũng như đường giao thông nội đồng đi lại không thuận tiện. Người dân địa phương thường xuyên phải sử dụng nguồn nước giếng khoan phục vụ cho sinh hoạt. Sau khi hợp nhất về Hà Nội, TP và huyện đã quan tâm, đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông trên toàn địa bàn xã, các khối trường học cũng được cải tạo và xây mới. Cũng nhờ có sự quan tâm mà địa phương chúng tôi đã hoàn thành các tiêu chí và đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Phấn khởi hơn nữa, đầu năm 2018, 100% các hộ gia đình trong xã đã được sử dụng nước sạch đảm bảo cho sức khỏe, không còn phải dùng nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm như trước. Thế là, niềm mong ước bấy lâu nay của người dân địa phương chúng tôi đã thành hiện thực.
(Hữu Hải ghi)