Để thuyền ra biển lớn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017 là năm kỷ lục về số DN đăng ký thành lập mới với 126.859 DN, tăng 15,2% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của các DN thành lập mới năm 2017 cũng tăng 45,4% so với năm 2016. Đây là một tín hiệu vui cho thấy những khởi sắc của nền kinh tế.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, vốn bình quân một DN thành lập mới chỉ đạt ở mức 10,2 tỷ đồng, con số khá khiêm tốn về quy mô vốn của DN. Câu hỏi đặt ra là với quy mô vốn quá nhỏ này, liệu DN Việt có đủ sức để bơi ra biển lớn?
Trong khi tiềm lực của một trong động lực chính của nền kinh tế là các DN mới thành lập còn khiêm tốn thì không ít bất cập khác trong hoạt động của các khu vực DN lại đang diễn ra. Đó là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài -FDI lợi nhuận lớn (chiếm hơn 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN năm 2016) nhưng lại đóng góp ngân sách Nhà nước (NSNN) thấp nhất trong các thành phần kinh tế.

Trong khi, năm 2016, các DN ngoài Nhà nước đóng góp cho ngân sách lớn nhất với 434.700 tỷ đồng, tăng 17%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016. Như vậy, trong khi khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp tích cực vào ngân sách thì quy mô vốn và sức cạnh tranh của họ vẫn khiêm tốn. Vì thế làm sao để khu vực này đóng góp nhiều hơn, thực sự là động lực phát triển của nền kinh tế là bài toán đang được đặt ra.

Để tăng cả lượng và chất của khu vực DN trong nước, đặc biệt là DN tư nhân, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tăng nhanh số lượng DN thành lập mới, DN khởi nghiệp hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN.

Bên cạnh đó, giải pháp tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế trong DN theo hướng sắp xếp lại các DNNN, thu hút FDI hiệu quả hơn và đặc biệt khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ngoài ra, nhanh chóng đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống để sớm hỗ trợ và khuyến khích các DNNVV phát triển nhanh, hiệu quả trong thời gian tới. Nếu làm tốt những điều này, DN thực sự được nuôi dưỡng và phát triển tốt thì đoàn thuyền với số vốn trung bình khiêm tốn chỉ hơn 10 tỷ đồng vẫn có thể lớn thành tàu để vùng vẫy ra biển lớn hội nhập.