Khi chính quyền địa phương nỗ lực vào cuộc
Tỉnh Bắc Giang là gương điển hình cho nhiều tỉnh, thành cả nước trong phát huy vai trò của chính quyền trong quy hoạch, định hướng và xuất khẩu nông sản.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Phạm Công Toản chia sẻ: Để nông sản Bắc Giang nói chung và trái vải thiều Lục Ngạn nói riêng có chỗ đứng trên thị trường, địa phương đã có sự có chuẩn bị từ nhiều năm đồng thời kiên định nâng cao chất lượng. Xác định thị trường do người tiêu dùng quyết định giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản Bắc Giang nên tỉnh sớm chỉ đạo sản xuất nông sản phục vụ thị trường.
Năm 2017, tỉnh Bắc Giang phê duyệt danh mục 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (hình thành nhiều hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất). Từ đó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, xây dựng và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng. Nhờ vậy, các vùng sản xuất đã tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn).
Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước với 78.800ha. Nhưng đây lại là địa phương tổ chức hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ giữa hợp tác xã, hộ sản xuất, trồng trọt với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, thực phẩm.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến, xuất khẩu 16 mặt hàng nông sản sang các thị trường: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Nga... chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Nhờ đó, dù có sản lượng trái cây (xoài, nhãn…) lớn mỗi khi vào vụ thu hoạch, song do có nhiều nhà máy chế biến sâu nên áp lực tiêu thụ quả tươi giảm rõ rệt.
Không chỉ vào cuộc quyết liệt trong tìm hiểu, tiếp cận thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hai tỉnh Bắc Giang và Sơn La còn là những địa phương tận dụng được tốt nhất sự hỗ trợ của các bộ, ngành trong đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Chú trọng xúc tiến thương mại cho nông sản đặc trưng
Đồng hành cùng các địa phương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, đặc biệt là các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm.
Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Xúc tiến thương mại được đánh giá là một trong những điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản. Do đó, Bộ Công Thương đã mở các chương trình tập huấn online để hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
Cùng với đó, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tận dụng thương mại điện tử và các công nghệ đã góp phần quan trọng giới thiệu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng ra thị trường nước ngoài.
Phân tích về giải pháp xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng: Có 3 điều kiện gắn với việc duy trì hiệu quả hoạt động xuất khẩu một cách bền vững. Thứ nhất là yếu tố chất lượng phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đơn cử như những quy định về chất lượng, bao bì, dán nhãn của Trung Quốc rất chặt chẽ. Thứ hai là bên cạnh việc đáp ứng về sản lượng còn phải bảo đảm chất lượng đồng đều. Thứ bai là xây dựng thương hiệu.
Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian qua, nhiều địa phương đã tham gia vào việc xây dựng thương hiệu bằng các giải pháp như xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhưng chỉ làm tốt khía cạnh nhận diện trong nước, còn khi ra nước ngoài, thương hiệu nông sản chưa được định vị rõ ràng.
Về giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong giời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai những chương trình xúc tiến thương mại giúp các địa phương xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm nông sản đặc trưng, có nhiều thế mạnh.
"Bộ Công Thương đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiến đến tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng lợi thế của 15 hiệp định thương mại tự do đang thi hành và có hiệu lực " Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.