Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để ứng xử trên môi trường mạng an toàn

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chị Nguyễn Thị Nguyên - cán bộ Tư pháp xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, thực tế nhiều người vẫn chưa hiểu hết được các quy định của pháp luật liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để tham gia vào môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Chị Nguyễn Thị Nguyên (ngồi bên trái) trao đổi nghiệp vụ với lãnh đạo UBND xã Hiền Giang, huyện Thường Tín. Ảnh: Công Tâm
Chị Nguyễn Thị Nguyên (ngồi bên trái) trao đổi nghiệp vụ với lãnh đạo UBND xã Hiền Giang, huyện Thường Tín. Ảnh: Công Tâm

Có video clip tuyên truyền cho người từ 18 tuổi trở lên tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” trên địa bàn TP Hà Nội đạt điểm cao thứ hai, chị Nguyễn Thị Nguyên - cán bộ Tư pháp xã Hiền Giang, huyện Thường Tín nhận định, cuộc thi đã giúp lan tỏa giá trị văn hóa, pháp lý, xây dựng kỹ năng cần thiết để tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội, chị Nguyễn Thị Nguyên được tham gia lớp đào tạo thí điểm công chức nguồn của TP giai đoạn 2013 - 2014. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, năm 2015, chị đã thi đỗ công chức lĩnh vực Tư pháp của TP và được phân công làm việc tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín. Trong suốt 7 năm công tác tại đây, chị Nguyên luôn được người dân, đồng nghiệp quý mến vì sự năng động, trách nhiệm và luôn hòa đồng.

Nhận thấy Hiền Giang là xã còn nhiều khó khăn, lại ở xa trung tâm huyện, nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, chị Nguyên càng quyết tâm làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, không để người dân phải đi lại nhiều lần. Mặt khác, khi người dân có những vấn đề cần tìm hiểu về thủ tục, quy định pháp luật, chị đều tuyên truyền, giải thích kỹ lưỡng để họ dễ hiểu và chấp hành thực hiện. Nhờ vậy, những năm gần đây, xã Hiền Giang đã giảm tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp cũng như tỷ lệ số vụ vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, trong quá trình triển khai thi công một số dự án xây dựng đường giao thông, xây cầu cùng hệ thống kênh tiêu thoát nước sản xuất nông nghiệp, xã Hiền Giang nhận được kiến nghị của người dân. Chị Nguyên đã cùng tổ công tác của xã trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động, nhờ đó người dân đã hiểu rõ vấn đề, tạo sự đồng thuận.

Sáng tạo trong triển khai

Chị Nguyễn Thị Nguyên chia sẻ, năm nay, TP Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng. Đây là nội dung rất hay và sát thực tế. Ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm kịp thời định hướng cho người sử dụng, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực cho người dùng và đảm bảo quyền tự do cá nhân, tự do kinh doanh… Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa hiểu hết được các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung này cũng như chưa tạo được thói quen, kỹ năng để tham gia vào môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Sau khi TP ban hành kế hoạch và thể lệ cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”, chị Nguyên đã thiết kế slide, trình bày và dựng video tham gia. Do còn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên thời gian chuẩn bị video chị Nguyên phải triển khai ngoài giờ hành chính. Chị Nguyên chọn hình thức thuyết trình bằng thơ, chủ đề “Ứng xử an toàn trên mạng xã hội”, với nội dung chủ đạo là Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ TT&TT.

"Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, thơ có đặc điểm ngắn gọn, cô đọng, tôi đã lựa chọn viết nội dung là bài thơ “Mạng ảo - Đời vẫn thật”. Từ những vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc, tôi mong muốn có thể truyền tải đến nhiều nhóm đối tượng nhất, để đọng lại những nội dung cơ bản về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ TT&TT" - chị Nguyên tâm sự.

Bài dự thi của chị Nguyên nhắc đến lợi ích cũng như tác hại khi sử dụng mạng xã hội, chế tài xử phạt từ hành chính đến hình sự... Từ đó khơi gợi, thúc đẩy trách nhiệm của mỗi cá nhân tương ứng với từng vị trí, vai trò cụ thể nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trên môi trường mạng. Đồng thời, qua tham gia cuộc thi, chị cũng mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa, pháp lý, xây dựng thói quen và kỹ năng ứng xử tích cực khi tham gia vào môi trường mạng, tránh được những điều đáng tiếc xảy ra.