Phát huy tích cực văn hóa truyền thống
Thưa GS, Đảng và Nhà nước đã nêu rõ quan điểm văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về Văn hóa học, ông thấy văn hóa đã có sự phát triển thế nào?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: Văn hóa là toàn bộ những sáng tạo và phát minh của con người, vì lẽ sinh tồn, mục đích của cuộc sống. Văn hóa là kiến trúc thượng tầng nên giữ vị trí hết sức đặc biệt. Vì thế, khi nói đến văn hóa là phải nói đến các giá trị cốt lõi, tinh hoa. Việc phát huy giá trị truyền thống được đặt trong điều kiện phát triển và biến đổi, nên tuyệt đối không bê nguyên xi cái ngày xưa vào trong đời sống hiện đại.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa học - trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội |
Ví dụ, lễ hội là điển hình văn hóa tinh thần của người dân vùng nông thôn, nói lên ao ước, khát vọng, niềm tự hào và sức mạnh tinh thần to lớn của họ. Những lễ hội ấy được tổ chức ở sân đình, đình làng, trong mỗi gia đình, ngõ xóm với quy mô chỉ khoảng từ 100 đến 200 hộ. Bây giờ, vẫn trên không gian ấy, nhiều khi còn bị thu hẹp hơn, lễ hội được tổ chức cho số lượng khách đông gấp 10, có khi hơn cả trăm lần trước đây.
Hơn thế, nhiều địa phương đang có khuynh hướng biến lễ hội văn hóa tâm linh của cộng đồng mình thành phương thức kinh doanh kiếm lợi từ khách thập phương. Vì thế nhiều lễ hội đã biến tướng cần phải được chấn chỉnh lại trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả các giá trị văn hóa làng xã Việt Nam.
Như vậy, trong dòng chảy phát triển văn hóa truyền thống còn có vấn đề cần xử lý?
- Quan sát những năm qua, tôi nhận thấy, văn hóa truyền thống đang được phát huy rất tích cực trong đời sống. Nhưng để phát triển bền vững, chúng ta cần giải được bài toán giữa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Nói như GS Trần Đình Hượu viết trong cuốn sách “Từ truyền thống đến hiện đại”, lấy giá trị truyền thống làm cơ sở, nhịp cầu để bước sang xã hội hiện đại, văn hóa hiện đại và đời sống hiện đại.
Nhưng nên nhớ, truyền thống và hiện đại không đối lập mà kết quyện vào nhau, tạo nên phát triển liền mạch giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhớ lại, có thời kỳ, chúng ta cho rằng thờ cúng là mê tín dị đoan nên phá bỏ đình, chùa, không tổ chức lễ hội, đã làm nghèo đi đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân và làm mất đi một nguồn lực quan trọng cho phát triển nông thôn.
Sau này, chúng ta đã rút kinh nghiệm, nhưng lại cho khôi phục, thậm chí dựng mới đình, chùa, miếu mạo tràn lan, với nhiều phong tục tập quán cũ, lạc hậu. Sự buông lỏng quản lý này cũng lại gây ra những hậu quả khó có thể lường hết được. Tóm lại, kết hợp truyền thống và hiện đại chính là con đường phát triển toàn diện và bền vững. Vấn đề còn lại là xử lý các mối quan hệ này trên nguyên tắc bảo đảm tính hợp lý, hài hòa, tuyệt đối tránh cực đoan, phiến diện.
Thế mạnh khai thác văn hóa phát triển du lịch
Thời gian qua, ngành du lịch đã khai thác các giá trị văn hóa để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đây có là mô hình tới đây ngành công nghiệp không khói tiếp tục hướng tới?
- Tôi cho rằng, đây là mô hình tốt, hướng phát triển đúng. Du lịch văn hóa là thế mạnh của Việt Nam. Khi chúng ta biết khai thác tốt, nó không chỉ mang đến lợi ích kinh tế rất cao mà còn là phương pháp, cách thức, biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thông qua hoạt động du lịch rất hiệu quả.
Thí dụ, di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, khi du khách đến sẽ tìm hiểu được lịch sử, văn hóa con người Việt Nam. Vì thế mở rộng du lịch chính là điều kiện, phương tiện để quảng bá Hoàng thành Thăng Long cho nhiều người và nhiều nước biết.
Hay nhiều di tích lịch sử văn hóa khác, nếu không phát triển du lịch thì sự tồn tại và ảnh hưởng của nó chỉ khoanh lại trong phạm vi rất nhỏ. Chẳng hạn, đình làng tôi có giá trị về văn hóa nghệ thuật nhưng chỉ để người dân làng tôi chiêm ngưỡng, tôn thờ; trong khi khách du lịch đồng ý chi tiền đến xem để nâng cao sự hiểu biết và quảng bá rộng rãi, tại sao lại không khuyến khích và tạo điều kiện? Đó là chưa nói nguồn thu từ du lịch, dịch vụ hoàn toàn có thể được trích lại phục vụ cho bảo tồn, tôn tạo di tích.
Ngoài du lịch, còn có mảng khác để khai thác văn hóa phục vụ cho sự phát triển đất nước?
- Khai thác văn hóa làm du lịch là ví dụ mà mọi người dễ nhìn ra. Văn hóa không chỉ là động lực mà còn là tương lai phát triển của đất nước. Văn hóa không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch mà cả kinh tế. Hiện nay, mọi người nói đến các công ty của Nhật Bản tổ chức và quản lý theo kiểu gia đình rất hiệu quả.
Vậy tại sao chúng ta không nghĩ tới văn hóa gia đình Việt Nam (cả mặt tích cực và không tích cực) để rút kinh nghiệm tổ chức cơ sở sản xuất, công ty kinh doanh một cách hiệu quả. Với tôi, điều quan trọng nhất của văn hóa là đào tạo nên con người có tư cách, phẩm chất, lối sống, năng lực làm việc và sáng tạo. Bởi, con người chính là nguồn lực to lớn nhất cho phát triển đất nước và xã hội hiện nay.
Bảo tồn, phát huy đặt lên hàng đầu
Thời kỳ kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ phát triển văn hóa theo hướng nào, thưa GS?
- Công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp hiện đại sản xuất và truyền bá các sản phẩm, dịch vụ văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu rất cao của con người thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Theo tôi đây lại là vấn đề cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại; giữa công nghệ cao với giá trị văn hóa cổ truyền chủ yếu được kết tinh từ lao động thủ công; giữa giữ gìn bản sắc văn hóa và sáng tạo văn hóa; giữa kinh tế và văn hóa…
Công nghiệp văn hóa Việt Nam phải được xây dựng trên nguyên tắc khai thác triệt để các giá trị truyền thống mới trở thành động lực cho sự phát triển của văn hóa, kinh tế, xã hội. Còn nếu chúng ta chỉ lại sao chép mô hình của các nước đi trước sẽ bị lệch pha, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Vì thế, nghệ thuật truyền thống được nâng tầm lên khoa học hiện đại như thế nào, có sự kết quyện kinh tế, văn hóa và công nghệ ra sao, rất cần có các chuyên gia nghiên cứu đưa ra phương án. Khi làm như thế, chúng ta có thể vừa giữ được các giá trị truyền thống và lấy nó làm đòn bẩy để phát triển hiện đại, hội nhập với thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả, đưa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.
Để văn hóa góp phần cho kinh tế đất nước phát triển, ông thấy còn băn khoăn, trăn trở điều gì?
- Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao vai trò, vị trí của văn hóa trong chiến lược phát triển đất nước và có những chủ trương, chính sách về văn hóa rất đúng. Thế nhưng, đi vào các ngành nghề, các địa phương cụ thể lại có sự lệch pha, dẫn đến nhiều nơi không bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mà thuần túy khai thác phục cho lợi ích cá nhân và phe nhóm, đó là mối nguy lớn.
Và, cứ để tiếp tục như thế, các di sản văn hóa sẽ mất đi. Đó là chưa nói đến nhiều hệ lụy khác của lối du lịch không văn hóa. Để văn hóa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, rất cần có chính sách tổng thể. Đặc biệt, việc bảo tồn và phát huy các giá trị phải được đặt lên hàng đầu, phải lấy nuôi dưỡng làm chính, phải tìm mọi cách bảo tồn, tôn tạo cho các di sản văn hóa của tổ tông có sức sống bền lâu và mãi mãi là nguồn lực phát triển quê hương, đất nước.
Xin cảm ơn GS!
"Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao vai trò, vị trí của văn hóa trong chiến lược phát triển đất nước và có những chủ trương, chính sách về văn hóa rất đúng. Thế nhưng, đi vào các ngành nghề, các địa phương cụ thể lại có sự lệch pha, dẫn đến nhiều nơi không bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mà thuần túy khai thác phục vụ cho lợi ích cá nhân và phe nhóm, đó là mối nguy lớn. " - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc |