Để Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế mới trên toàn cầu

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 ngày 21/12 đã đề cập tới nhiều vấn đề hợp tác ngoại giao, thúc đẩy kinh tế giữa Việt Nam và thế giới trong giai đoạn có nhiều xu hướng mới.

Kinh tế thế giới đang chứng kiến những xu hướng phát triển mới mà tất cả các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên toàn cầu phải thích ứng mạnh mẽ.

Xu hướng mới tại những nền kinh tế lớn

Tại Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, có các xu hướng nổi trội mà chính phủ và doanh nghiệp nước này đang hết sức quan tâm, như toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thế giới thay đổi theo hướng tăng cường linh hoạt trong hợp tác thương mại, theo nhóm, theo khối, bảo hộ thương mại nhiều hơn.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: Baoquocte
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: Baoquocte

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện, nội khối, tăng khả năng tự lực, tự cường, ứng phó trong nước, cũng như quan tâm đầu tư và các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh…

“Những xu hướng mới đòi hỏi các quốc gia, khu vực không thể đứng yên, đứng riêng lẻ mà cần sự hợp tác, chia sẻ lợi ích, rủi ro ngày càng cao”, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định.

Đại sứ đã nêu ra các giải pháp để Việt Nam thích ứng với xu hướng mới này, trong đó các địa phương cần liên kết với nhau để tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực… phong phú, ổn định để thu hút nhà đầu tư Mỹ, đón đầu các xu hướng thay đổi, chuyển dịch mới.

Ngoài ra, cần tập trung một số biện pháp nhằm cụ thể hóa nội hàm kinh tế trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó cần có cơ chế phối hợp liên ngành để tổng hợp, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung đã thỏa thuận.

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các văn kiện, chủ động đề xuất, rà soát các nội dung, kinh phí, lộ trình hợp tác cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chủ động liên hệ, tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ và tiến hành gặp gỡ, họp với phía Hoa Kỳ để xác định rõ các ưu tiên và lộ trình thực hiện

Thách thức đan xen cơ hội trong hợp tác với thị trường tỷ dân

Chia sẻ về triển vọng thị trường Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết, với mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023, Trung Quốc vẫn đối diện với sự phục hồi còn bấp bênh, không toàn diện, thương mại và đầu tư nước ngoài giảm mạnh, vấn đề việc làm, nguy cơ thị trường bất động sản, nợ địa phương, rủi ro tài chính từ các tổ chức tài chính...

Hiện tại Bắc Kinh chú trọng tăng trưởng phát triển ổn định, phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực sáng tạo, lần đầu tiên đưa ra chủ trương "xây trước phá sau", theo đó cho phép trong quá trình chuyển đổi chất lượng cao, vẫn song hành các mô hình tăng trưởng cũ, theo Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á. 

Nhìn chung, triển vọng kinh tế và những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc nêu trên có thể sẽ có một số tác động thuận nghịch đan xen tới kinh tế Việt Nam. 

Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á cho rằng, việc tăng cường quan hệ hợp tác là chất keo gắn kết, đan xen lợi ích giữa hai nước, là yếu tố tích cực để củng cố nền tảng xã hội và tin cậy chính trị, là động lực góp phần duy trì sự phát triển ổn định quan hệ hai nước.

Trên cơ sở điều chỉnh sách đó, Trung Quốc chọn theo hướng phát triển ổn định, tiếp tục thúc đẩy nội nhu, khuyến khích tiêu dùng, chú trọng tăng cường bảo đảm an ninh lương thực… là yếu tố thuận lợi để tiếp tục mở rộng các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng khẳng định rõ tiếp tục mở cửa thị trường 1,4 tỷ dân to lớn đối với Việt Nam. "Hiện nay Trung Quốc có 400 triệu người dân bước vào tầng lớp trung lưu, tương đương thị trường của EU", ông Phạm Thanh Bình lưu ý.  

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc nâng cao quy tắc thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất thể hóa quy chuẩn nội thương, ngoại thương nhằm theo đuổi tăng tưởng chất lượng cao, đồng thời khuyến khích tiêu dùng đổi mới, thông minh, tiêu dùng xanh - sạch cũng tạo sức ép lớn nếu chúng ta không bắt kịp, theo Vụ trưởng. 

Vụ trưởng Phạm Thanh Bình kiến nghị, cần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai bên, như trong Tuyên bố chung đã nhấn mạnh, đó là tầm quan trọng của triển khai cơ chế rà soát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên việc triển khai cụ thể hóa các thỏa thuận, chương trình hợp tác hai bên đã ký kết.

Về phía Việt Nam cần tiếp tục bên cạnh mở rộng quy mô xuất khẩu chất lượng cao, sản phẩm hướng tới xuất khẩu chính ngạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và quảng bá hình ảnh, nắm bắt nhu cầu của thị trường Trung Quốc.  

"Đúng người, đúng thời điểm" trong hợp tác Việt Nam-Liên minh châu Âu

Tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo đề cập tới hợp tác giữa  Việt Nam và EU về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu - một trong những lĩnh vực trọng tâm giữa hai bên.

Đại sứ thông tin, Bộ Ngoại giao đang thực hiện các khâu cuối cùng trong Đề án phát triển hợp tác với EU đến năm 2030 và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

"Với một đối tác quan trọng như EU, chúng ta cần mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong từng giai đoạn, Việt Nam phải chọn các lĩnh vực trọng điểm để tạo tác động lan tỏa", Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết. 

Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, từ góc độ địa bàn EU, Đại sứ cho rằng hợp tác môi trường và biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU và khu vực. EU là đối tác quan trọng của Việt Nam nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa với tiềm năng. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đạt 52 tỷ USD, chỉ chiếm 1,7% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU. Đầu tư của EU vào Việt Nam chỉ 27 tỷ USD, thua xa một số nước.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, EU đã ban hành một loạt các chính sách mới, như chính sách về carbon, chính sách về trách nhiệm giải trình... Những chính sách này sẽ có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Việt Nam nếu chúng ta không đáp ứng quy định, nhất là cách ngành lớn như dệt may, da giày… Vì thế, lựa chọn tốt nhất là Việt Nam chủ động thích ứng, hợp tác với EU trong lĩnh vực này.

"Hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu với EU sẽ có tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Có điều kiện để thúc đẩy hợp tác bền vững, điện gió, giảm phát thải nhựa đại dương và các vấn đề môi trường", Đại sứ Nguyễn Văn Thảo chia sẻ. 

Đồng thời khẳng định, "hợp tác tác về môi trường và biến đổi khí hậu hiện là xu thế của thế giới, không thể cưỡng lại". Trước mắt là EU ban hành các quy định này, sau đây sẽ là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng sẽ ban hành các quy định tương tự.

"Nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh. EU muốn đa dạng hợp tác và Việt Nam được coi là đối tác quan trọng của EU trong khu vực", Đại sứ nhấn mạnh đồng thời khẳng định cần duy trì đà quan hệ với EU, giữ hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu cần "đúng lĩnh vực, đúng đối tác, đúng thời điểm".