Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để xảy ra cháy lớn, xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Công an TP tiếp tục tham mưu cho UBND TP hoàn thiện thể chế thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH; tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện đối với các vụ cháy; chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Công văn được ban hành trong bối cảnh nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả, duy trì thường xuyên công tác PCCC&CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; quyết tâm kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy gây ra đối với loại hình này.

Theo đó, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Công an TP tiếp tục tham mưu cho UBND TP hoàn thiện thể chế thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH; tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện đối với các vụ cháy; chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục.

Đối với các đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an TP Hà Nội cần phối hợp Văn phòng UBND TP xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, không triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp mà UBND TP đã chỉ đạo. Trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý.

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa có "lối thoát nạn thứ 2" phải mở "lối thoát nạn thứ 2".

Các cơ quan liên quan định kỳ kiểm tra an toàn PCCC, kiểm tra đột xuất khi phát hiện trường hợp vi phạm, có nguy cơ mất an toàn PCCC hoặc theo yêu cầu về công tác đảm bảo an ninh, trật tự của cơ quan có thẩm quyền; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm về PCCC&CNCH.

Hà Nội yêu cầu xây dựng và nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC. Việc lựa chọn và xây dựng mô hình xong trước ngày 15/8. Sau 6 tháng triển khai, thành phố sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí và xem xét nhân rộng.