Trước đó, dự án xây dựng đường trên cao được liên doanh các nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á đưa ra vào tháng 9/2016, dự án có tổng chiều dài 5.010m và có vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, đến nay rút gọn lại chiều dài còn 3.240m và vốn đầu tư còn 2.600 tỉ đồng.
|
Sơ đồ đường trên cao giải toả ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất |
Theo đó, đường trên cao bắt đầu từ sảnh nhà ga quốc tế T2 và chạy qua trước nhà ga quốc nội T1 ra đường Thăng Long rồi đi dọc tuyến đường này vượt qua đường Phan Thúc Duyện, qua công viên Hoàng Văn Thụ chia làm hai nhánh lần lượt kết nối vào đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Văn Trỗi.
Tổng vốn cho dự án là 2.600 tỉ đồng, được các nhà đầu tư đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 450 tỉ đồng, phần còn lại (2.150 tỉ đồng) hoàn vốn bằng quỹ đất.
Việc kết nối sảnh đi nhà ga quốc tế, nhà ga quốc nội với hệ thống đường trên cao sẽ tạo thuận lợi cho xe lưu thông ra khỏi khu vực sân bay trong thời gian nhanh nhất.
Xe cộ ra khỏi sân bay từ khu nhà ga lưỡng dụng đi vào trung tâm TP Hồ Chí Minh lên đường trên cao tại nhánh vào trên đường Phan Thúc Duyện sau khi vượt qua nút giao bằng với đường Thăng Long.
Các nút giao với đường Thăng Long giúp xe từ khu nhà ga T1, T2 lưu thông ra khỏi sân bay đi về hướng Tây của thành phố ra đường Thăng Long kết nối với đường Cộng Hòa.
Dự án sẽ góp phần giảm ùn tắc cho khu vực bên ngoài sân bay nếu kết nối với tuyến đường trên cao số 1 sẽ đầu tư trong tương lai. Theo đại diện Sở GTVT, tuyến đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất là dự án mới đang được tính toán bổ sung, ngoài quy hoạch 5 tuyến đường trên cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Liên danh các nhà đầu tư cũng đề xuất cơ chế đặc thù cho việc thực hiện dự án, như các dự án chỉ định nhà đầu tư đang triển khai.