Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Đề xuất tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh lên 91%

Trình bày Tờ trình tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT; khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 24/10 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc sáng 24/10 - Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận. Trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân; sửa đổi trách nhiệm, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng; bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ...

Đồng thời, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về vận chuyển người bệnh; một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi. Quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỷ lệ hưởng BHYT trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.

Dự thảo Luật đã điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ BHYT từ 5% còn 4% để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ 90% lên 91% từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình - Ảnh: Quochoi.vn

Bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc đóng BHYT trước khi áp dụng các biện pháp hành chính

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng và phương thức đóng BHYT quy định tại Dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia BHYT theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ ở Điều 12 tại lần sửa đổi này. Tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT.

Với đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận thấy, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này do đang thực hiện ổn định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này thay vì quy định cho phép lựa chọn phương thức đóng để giảm chi phí của gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đế sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT, theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, quy định này là phù hợp, tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện.

Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại Điều 27 để khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm quyền của người dân được sử dụng kịp thời dịch vụ y tế chất lượng, phù hợp với tình trạng bệnh tật. Tuy nhiên, cần lưu ý về kỹ thuật soạn thảo để tránh việc hiểu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu chỉ được sử dụng thuốc và thiết bị y tế thấp hơn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.

Về chậm đóng, trốn đóng BHYT, Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung quy định làm rõ khái niệm “chậm đóng BHYT”, “trốn đóng BHYT” tại điều 2 và cụ thể hóa chế tài xử lý khi chậm đóng, trốn đóng BHYT là cần thiết, song cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động. Việc vận dụng quy định tại Luật BHXH cần được tính toán kỹ và điều chỉnh phù hợp với lĩnh vực BHYT.

Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc, thông tin, nhắc nhở các doanh nghiệp chậm đóng BHYT cho người lao động trước khi áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự tại khoản 3 điều 49 Dự thảo Luật.