Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất các tiêu chí đánh giá nhà ở xanh Việt Nam

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, tại phân khúc nhà ở, các doanh nghiệp bất động sản đều hướng tới phát triển dòng sản phẩm nhà ở xanh, trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống.

Nhưng thực chất các tiêu chí để đánh giá “nhà ở xanh” vẫn chưa rõ ràng. Dưới đây là một số tiêu chí đánh giá “nhà ở xanh” do Hội KTS Việt Nam đề xuất.
Mỗi căn hộ chung cư cao tầng cứ mỗi 6 tầng nên thiết kế một không gian xanh, dành cho các hoạt động công cộng (Phần màu xanh trên bản vẽ là phần bố trí không gian xanh)
Theo KTS Phạm Đức Nguyên - Ủy viên Hội đồng kiến trúc xanh (Hội KTS Việt Nam), từ năm 2011, Hội KTS Việt Nam đã công bố 5 tiêu chí lớn để đánh giá về công trình kiến trúc xanh, trong đó: 2 tiêu chí về kiến trúc (Kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc và tính nhân văn, xã hội bền vững); 3 tiêu chí về Công trình xanh (Bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ, nâng cấp môi trường cảnh quan; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; bảo đám chất lượng môi trường trong nhà). Từ đó, có thể vận dụng các tiêu chí chung này để đề xuất các “Tiêu chí nhà ở xanh” để đánh giá nhà chung cư cao tầng.
Tiêu chí 1: Khu nhà ở và tòa chung cư phải trân trọng, bảo tồn Hệ sinh thái đã có, cải tạo, bổ sung Hệ sinh thái mới phục vụ hoạt động làm gia tăng sức khỏe và tính cộng đồng, nhân văn. Từ tiêu chí này các KTS nên thiết kế các “đường đi dạo xanh” chạy dọc các tòa nhà.
Tiêu chí 2: Mỗi căn hộ ở phải gắn kết được nhiều nhất với thiên nhiên: Không khí, gió, ánh sáng, tia nắng… vừa nâng cao vệ sinh, sức khỏe, vừa bảo đảm cuộc sống hàng ngày truyền thống của người vùng nhiệt đới gần biển (phơi phóng, trồng cây cảnh,…);
Tiêu chí 3: Thiết kế kiến trúc nhà ở phải lợi dụng tối đa khí hậu tự nhiên, đặc biệt đón gió mát, đón không khí trong lành, tạo được môi trường không khí vi khí hậu, vệ sinh và tiện nghi trong nhà. Đồng thời chống lại những bất lợi của khí hậu địa phương. Đó cũng là truyền thống kiến trúc lâu đời của người Việt.
Cần lưu ý rằng, do lãnh thổ Việt Nam kéo dài 15 vĩ độ và sát biển nên khí hậu có những thuận lợi và bất lợi riêng rất khác nhau: Miền bắc có địa hình rộng chiều ngang, có gió mát, gió lạnh và có tính hướng rõ rệt (Nam, Đông Nam & Bắc, Đông Bắc); miền Trung hẹp và kéo dài nhận được gió mùa mát, sạch sẽ từ biển (Đông) và chịu gió Tây khô nóng; miền Nam chỉ có gió mát mang tính đa hướng. Ngoài ra còn có các vùng trung du, núi cao, hải đảo với những đặc điểm khí hậu riêng rất khác nhau.
Tiêu chí 4: Tiêu chí được coi là trọng yếu khi đánh giá các tòa nhà xanh tại nhiều nước trên thế giới. Đó là tòa nhà có Hiệu quả năng lượng (giảm 30 - 50% năng lượng tiêu thụ, với tỷ lệ điểm đánh giá chiếm 40 - 60%). Tiêu chí có liên quan chặt chẽ với việc sử dụng tối đa năng lượng tự nhiên, không bị phụ thuộc vào sử dụng thiết bị nhân tạo (điều hòa không khí, máy sưởi ấm, sấy quần áo, sử dụng các thiết bị “xanh”…).
Ví dụ, căn hộ có các phòng mở cửa sổ ngoài, đón không khí, ánh sáng tự nhiên; căn hộ không có “phòng kín” bắt buộc sử dụng đèn điện và điều hòa không khí suốt ngày; căn hộ có sân, hiên, ban công để người ở có thể “thở/hít” và có tầm nhìn rộng ra bên ngoài, để phơi áo quần, đồ đạc nhất là những ngày nồm ẩm miền Bắc… Đó cũng là thể hiện tính kế thừa văn hóa sống lâu đời của người Việt.
Tiêu chí 5: Sử dụng vật liệu truyền thống, vật liệu địa phương, vật liệu “xanh” có hiệu quả nhất. Đặc biệt phải giảm thiểu tiêu thụ nước cấp - một tài nguyên đang cạn kiệt dần, được thế giới rất quan tâm hiện nay.
Tiêu chí 6: Tiên phong áp dụng các công nghệ mới về sử dụng năng lượng xanh (từ Mặt trời, gió, sinh học), thu nước mưa, xử lý nước thải để sử dụng. Tiêu chí này cần được khuyến khích ở nước ta.