Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh: Hay nhưng không dễ thực hiện

Vân Nhi - Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc các đơn vị chuyên môn đề xuất các biện pháp cải tạo sông Tô Lịch nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân là điều rất đáng ghi nhận. Song, theo các chuyên gia, đối với bất cứ đề xuất nào trước khi phê duyệt, các đơn vị chức năng cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng không nên vội vàng.

Mắc từ quy hoạch
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đặc trưng của Hà Nội là sông hồ, các dòng sông đang tồn tại là một trong những minh chứng của lịch sử trong từng giai đoạn, có những dòng sông hình thành cùng với Thăng Long Hà Nội nhưng cũng có những con sông mới hình thành trong thế kỷ 20 để phục vụ thoát nước. Vì vậy, lựa chọn dòng sông nào để phát huy yêu cầu phát triển du lịch là một việc cần phải cân nhắc. 
 Một đoạn mô hình xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh trên sông Tô Lịch. Ảnh mô hình. 
Bên cạnh đó, các con sông chảy trong nội đô Hà Nội liên kết với nhau thành một hệ thống, do đó muốn khai thác sử dụng một con sông nào đó phải có nhìn nhận, nghiên cứu cả hệ thống. Đối với sông Tô Lịch, đây là dòng sông không chỉ là mang yếu tố cảnh quan của TP mà nó còn mang trong mình yếu tố văn hóa truyền thống, cấp nước phục vụ nông nghiệp...
Từ năm 2011, TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được. Vấn đề hiện nay cần phải làm sạch nước sông thì mới tính đến chuyện khai thác.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, các con sông chảy trong nội đô Hà Nội, trong đó có sông Tô Lịch là điểm hẹn của rất nhiều các nghiên cứu nhưng đều chưa được thực hiện trọn vẹn. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa đưa ra được nghiên cứu, để giải quyết những vấn đề tổng thể của cả hệ thống.
“Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang xây dựng Chương trình phát triển đô thị, lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những vấn đề này là "đầu bài" để triển khai đầu tư, xây dựng, khai thác trong TP. Nhưng hiện nay "đầu bài" chưa xong, chưa đề ra thì việc nghiên cứu chi tiết, cụ thể từng dự án là vấn đề rất khó thực hiện” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Khẩn trương nhưng không vội vã
Trong khi đó, PGT.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho biết, sông Tô Lịch là một dòng sông sinh thái có lịch sử lâu đời ở Thủ đô Hà Nội. Trong hoàn cảnh sông Tô Lịch đang ngày một ô nhiễm thì việc các đơn vị chuyên môn, trong đó có Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản là rất đáng ghi nhận. Song, để thực hiện được đề xuất này, các đơn vị có chức năng cần phải cải thiện, xử lý chất lượng nước, tạo môi trường cảnh quan của một dòng sông trong đô thị.
 Mô hình dự án xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh. Ảnh minh họa. 
Đồng quan điểm trên, GS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết, đây là đề xuất hay nhưng để thực hiện được còn rất nhiều vấn đề cần phải tính toán lại. Cụ thể, GS Trần Hiếu Nhuệ cho hay, về vấn đề kỹ thuật thì có thể làm được, nhưng vấn đề quan trọng nhất là kinh phí ở đâu trong hoàn cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, sông Tô Lịch là dòng sông đã bị ô nhiễm từ nhiều năm nay, do đó việc xử lý ô nhiễm môi trường là cần thiết. Song, để thực hiện được vấn đề này, đầu tiên các cơ quan chức năng cần phải đánh giá toàn bộ tác động xã hội, tác động đến cuộc sống của người dân hai bên bờ sông, giao thông, du lịch… đặc biệt là tác động đến môi trường của TP Hà Nội.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần lựa chọn được những giải pháp nào thực sự khả thi. Bởi, từ trước đến nay, đã có nhiều giải pháp được đề xuất nhưng chưa có biện pháp nào thành công. “Chúng ta cần khẩn trương nhưng không được vội vàng, cần xem lại tất cả các phương án để đánh giá phương án nào thực sự hiệu quả. Đồng thời, lấy ý kiến Nhân dân trong khu vực và các chuyên gia độc lập để làm ra tấm ra món, tránh tình trạng chắp vá, nay làm thế này, mai làm thế khác” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trước đó, cuối tháng 10 vừa qua, Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chính thức công bố kết quả giải thưởng lần thứ 14 năm 2021. Trong đó, 1 trong 2 giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" đã được trao cho đề xuất "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" do JVE Group và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.