Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang) về vấn đề điều chỉnh lương hưu. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội khóa 14, trong phiên họp cuối cùng đã đặt ra vấn đề này.
Nghị quyết 34 của Quốc hội đã yêu cầu rất rõ đối với Chính phủ về việc tạm dừng cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, trong đề xuất của Chính phủ với Quốc hội là vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu và đặc biệt quan tâm đến những người nghỉ hưu trước năm 1995 và nhất là những người có lương hưu thấp. “Thời gian vừa qua Bộ LĐTB&XH thường xuyên tổ chức các đánh giá và hoàn thiện hồ sơ. Cho đến giờ này, Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên Chính phủ, tôi tin là trong tháng 12 sẽ trình với Thủ tướng xem xét vấn đề này” - Tổng tư lệnh ngành LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng thông tin.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ cho phép điều chỉnh lương hưu 7,5%, từ ngày 1/1/2022. |
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nếu được phép điều chỉnh lương hưu, chúng tôi sẽ đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ cho phép điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022 (điều chỉnh trước 7 tháng). Bởi trước tình hình tác động của đại dịch Covid-19, thời gian vừa qua, những người nghỉ hưu có đời sống khó khăn, hầu hết các bác không được điều chỉnh.
“Chúng tôi dự kiến mức điều chỉnh 7,4%, bắt đầu từ ngày 1/1/2022. Tổng kinh phí để điều chỉnh lương hưu là vào khoảng 12.650 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư và bổ sung cho số người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng. Đối với những người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn dưới 2.500.000 đồng, chúng tôi đề xuất bổ sung để đảm bảo mặt bằng chung thấp nhất là 2.500.000 đồng. Trước Quốc hội, Thủ tướng đã cho chủ trương đồng ý, chúng tôi phấn đấu hoàn thiện được hồ sơ và cố gắng đúng 1/1/2022 các bác sẽ được hưởng chính sách mới” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cùng trong buổi chất vấn, đại biểu Tả Thị Yên (Điện Biên) gửi đến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung câu hỏi về việc: Các đối tượng yếu thế như người già, người tàn tật, lao động tự do đã được quan tâm hỗ trợ trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua; tuy nhiên, sau dịch bệnh, kinh tế phục hồi chậm, việc làm và thu nhập của những đối tượng này tiếp tục bị ảnh hưởng và có thể kéo dài. Vậy Bộ LĐTB&XH đã nắm bắt, nghiên cứu và tham mưu cho Quốc hội giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới để đảm bảo an dân, tập trung cho phục hồi kinh tế?
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian vừa qua, ngoài các chính sách dành cho các đối tượng yếu thế, từ Nghị định 20, Nghị định 36, Nghị định 75 và các chính sách khác đã bao phủ các đối tượng yếu thế. Và, trong các chính sách hỗ trợ, chúng ta cũng dành cho những đối tượng yếu thế. Ví dụ, Nghị quyết 42 đã quy định rất rõ hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công và đợt dịch bùng phát lần thứ 4, hầu hết các địa phương mở rộng hỗ trợ cho đối tượng này. Và những đối tượng khác thì tùy theo khả năng, kinh phí, các địa phương đã có hỗ trợ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin về việc, thời gian tới Bộ LĐTB&XH tiếp tục rà soát lại các chính sách đã có, chính sách nào thấy không phù hợp thì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho sửa đổi; đối tượng nào còn thiếu thì bổ sung. Trên cơ sở đó sẽ trình với Trung ương ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 về các chính sách xã hội...